Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động
(BĐ) - Sáng 12.6, tại điểm cầu chính ở tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại trực tiếp và trực tuyến với hơn 4.500 công nhân lao động tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đối thoại có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.
Tại điểm cầu Bình Định, chương trình có sự tham dự của đông đảo công nhân lao động đại diện cho một số đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh (ảnh). Đến dự chương trình, có các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Huỳnh Thúy Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã động viên, chia sẻ với những khó khăn mà công nhân lao động gặp phải do dịch Covid-19 hai năm qua; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động tham dự chương trình, cùng tổng hợp kiến nghị, đề xuất của của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Nội dung đề xuất tập trung vào 10 nhóm vấn đề chính, gồm: Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Rà soát, sửa đổi pháp luật về BHXH, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân lao động rút BHXH một lần. Chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách cho công nhân lao động bị nhiễm Covid-19, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo quyết liệt các địa phương tăng cường công tác quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Có chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân lao động tham gia “tín dụng đen". Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về đào tạo nghề; các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tranh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông báo tin vui là Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12.6.2022, quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% bắt đầu từ 1.7.2022, đáp ứng sự trông chờ của công nhân lao động.
Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã thông tin, giải đáp, phân tích thêm về nhiều vấn đề kiến nghị để công nhân lao động nắm bắt, thêm tin tưởng Chính phủ sẽ tiếp tục có nhiều sự quan tâm thời gian tới. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Các bộ, ban, ngành, địa phương trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của công nhân lao động, cần nhìn nhận rõ những mặt còn hạn chế, thẳng thắn rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác tham mưu; tập trung rà soát lại các thể chế, cơ chế, chính sách để đề xuất nhanh chóng sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tế, đúng quy định. Qua đó, tiếp tục tăng cường thực hiện hiệu quả hơn công tác chăm lo, nâng cao đời sống công nhân lao động.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn lực lượng công nhân lao động Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh phục hồi, phát triển KT-XH sau đại dịch Covid-19.
HOÀI THU