Phối hợp nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội
Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền” do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức ngày 10.6, các đại biểu đã có nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng công tác này.
Phối hợp nhịp nhàng hơn
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền được nâng lên.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.M
Theo ông Hồ Sĩ Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thông qua nhiệm vụ chính trị giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan đã nhịp nhàng, sâu sát hơn. Thông qua giám sát, MTTQ các cấp đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với chính quyền địa phương hàng nghìn vụ việc, được chính quyền xem xét, giải quyết kịp thời đạt trên 80%.
Đối với công tác phản biện, giai đoạn 2015 - 2021, ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức 51 hội nghị phản biện xã hội với sự tham gia của các tổ chức thành viên, các nhân sĩ, trí thứ, hội đồng tư vấn của Mặt trận, chuyên gia… Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến góp ý 2.100 văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: Định kỳ vào quý IV mỗi năm, UBND thị xã thông báo cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã cùng các tổ chức chính trị - xã hội và gửi dự thảo những văn bản quy phạm pháp luật dự kiến sẽ ban hành trong năm có tác động sâu rộng đến nhân dân để lựa chọn phản biện. Công tác tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được quan tâm chỉ đạo triển khai.
“UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường tổ chức 840 cuộc đối thoại trực tiếp giữa bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, UBND với nhân dân. Đồng thời, phối hợp tổ chức đối thoại với chủ DN và nhân dân tại Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (phường Đập Đá) về giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án giải tỏa, chỉ đạo giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật vấn đề đền bù giải tỏa đường Lê Hồng Phong (phường Bình Định)…”, ông Tiến thông tin.
Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện
Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, đại diện cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thực tiễn. Việc xác định nội dung, đối tượng, hình thức giám sát ở cấp cơ sở còn lúng túng, chưa phong phú. Việc theo dõi kết quả, thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện còn chưa được quan tâm đúng mức. Việc giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với cấp ủy, chính quyền cùng cấp còn khó, chưa mang lại hiệu quả…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân đánh giá cao những kiến nghị, đề xuất của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đối với các kỳ họp của HĐND tỉnh. “Đây đều là những kiến nghị từ cơ sở, trong đó, có nhiều kiến nghị rất chất lượng. Đối với các kiến nghị của Mặt trận, Thường trực HDNĐ tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh có báo cáo, giải trình cụ thể”, bà Vân cho hay.
Để góp phần tháo gỡ các vướng mắc này, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân Đỗ Thị Diệu Hạnh cho biết: “Trong thời gian tới, địa phương chỉ đạo sâu sát hơn đối với công tác giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND và ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tốt hơn”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị MTTQ Việt Nam các cấp nâng cao chất lượng các cuộc giám sát, phản biện xã hội. Theo đó, cần phải xây kế hoạch giám sát, phản biện với nội dung cụ thể để đảm bảo hiệu quả; mời các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học… để đảm bảo tính khoa học, phát huy “chất xám”, góp phần nâng cao chất lượng của chính sách sắp ban hành. Bên cạnh đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần tập huấn, nâng cao kỹ năng giám sát, phản biện xã hội cho các lực lượng nòng cốt của Mặt trận.
Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Nguyễn Thị Phong Vũ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, yêu cầu MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm nghiên cứu, thống nhất và lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội hằng năm, sớm xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cho cấp dưới xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, tránh chồng chéo, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đồng thời, tập trung giám sát các đề án, chương trình có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Về nội dung góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, cần tập trung góp ý việc thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến quyền lợi của người dân, về cải cách hành chính, về pháp luật phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân…
NGUYỄN MUỘI