Thêm nhiều hy vọng điều trị phục hồi chức năng
Với việc thành lập và đưa vào hoạt động Khu Khám và Ðiều trị phục hồi chức năng đa ngành thuộc Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh giúp cho bệnh nhân có thêm cơ hội tiếp cận với nhiều phương pháp phục hồi chức năng, tăng khả năng hồi phục toàn diện cho bệnh nhân.
Trước đây, Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh và Phục hồi chức năng (PHCN) chỉ có 1 mảng là Vật lý trị liệu (tổ chức điều trị bằng các thiết bị vật lý và tập vận động). Nay, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Tổ chức Trung tâm quốc tế (IC), Khoa có thêm Khu Khám và Điều trị PHCN đa ngành với các mảng như: Ngôn ngữ trị liệu (tập cho các rối loạn nói và nuốt), hoạt động trị liệu. Bên cạnh đó, khu này còn có phòng khám và chỉ định dụng cụ trợ giúp - dụng cụ giúp lấy lại chức năng cho người bệnh/người khuyết tật như chức năng vận động, chức năng sinh hoạt bàn tay; phòng thực hành chức năng sinh hoạt hằng ngày, xưởng sửa chữa…
Người bệnh tập các chức năng vận động tại Khu Khám và Điều trị Phục hồi chức năng đa ngành. Ảnh: Đ. THẢO
Toàn Khu Khám và Điều trị PHCN đa ngành có 6 phòng, mỗi phòng đều có chức năng riêng để người bệnh luyện tập PHCN. Thông thường sau khi đột quỵ, bệnh nhân sẽ quên gần như tất cả ý niệm và hoạt động, phòng thực hành chức năng sinh hoạt hằng ngày được bố trí giống như căn hộ mini, có đầy đủ các vật dụng sinh hoạt bàn, ghế, tủ, bếp... để bệnh nhân tập lại các chức năng trước khi hòa nhập với cộng đồng. Đây là nơi dành cho các bệnh nhân gần ra viện.
Bác sĩ Võ Ngọc Phải, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết: Không gian luyện tập được thiết kế để tạo thuận lợi tối đa giúp bệnh nhân đưa được xe lăn vô tận nơi. Căn phòng không chỉ là nơi để bệnh nhân luyện tập, phục hồi mà còn là mô hình để bệnh nhân và người nhà tham khảo nhằm gợi mở ý tưởng cải tạo môi trường sinh hoạt, nhà cửa sao cho tăng cao mức độ phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.
Trung bình mỗi ngày Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh và PHCN đón 280 ca điều trị, thường xuyên cao hơn nhiều so với số giường bệnh của kế hoạch. Bác sĩ Phan Ngọc Vinh, Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa, cho biết: Khoa có 4 bác sĩ,13 kỹ thuật viên, trong đó riêng đơn nguyên điều trị mới có 3 kỹ thuật viên. Để chăm sóc bệnh nhân thật tốt, cách đây 1 tháng, Bệnh viện đã mời các chuyên gia đầu ngành về PHCN của Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) để tư vấn cách khám, chẩn đoán đồng thời tập huấn các kỹ năng thăm khám và điều trị cho tất cả bác sĩ, kỹ thuật viên của bệnh viện. Đợt tập huấn tuy không dài nhưng qua đó đã củng cố rất nhiều kỹ năng làm việc của chúng tôi. Hiện có 1 bác sĩ và 1 kỹ thuật viên của Bệnh viện đang được đào tạo trực tiếp tại Bệnh viện Bạch Mai.
Đi vào hoạt động mới chỉ chừng 2 tháng nhưng đến nay Khu Khám và Điều trị PHCN đã đón 1.940 lượt bệnh nhân tập hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu như: Tập tay và bàn tay, tập nhận thức và tri giác, tập điều khiển xe lăn, tập nuốt, tập giao tiếp, tập sửa lỗi phát âm.
Bà Nguyễn Thị Liên (64 tuổi), người nhà của bệnh nhân Mai Nhàn (67 tuổi, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát) đang điều trị tại Bệnh viện, cho biết: Ông Nhàn nhà tôi đã điều trị ở đây 10 ngày, ngoài châm cứu, vật lý trị liệu, còn được tập hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu… tình hình tiến triển khá ổn, các chức năng cải thiện dần. Các bác sĩ bảo bệnh này phải kiên trì tập lâu dài, đừng bỏ cuộc, chúng tôi cũng đang rất cố gắng.
Bác sĩ Võ Ngọc Phải phấn khởi cho biết thêm: Các trường hợp điều trị tại đây hầu hết là người lớn tuổi, sau tai biến, hiện chúng tôi đang nghiên cứu để mở rộng đón tiếp, điều trị cho trẻ bại não. Với trẻ bại não, lâu nay các phụ huynh dường như chấp nhận như một thực tế không thể đảo ngược. Nhưng với nhiều tiến bộ y khoa, các hoạt động PHCN đa ngành sẽ giúp trẻ có một số chức năng sinh hoạt hằng ngày để có thể tự chăm sóc mình một phần. Bên cạnh đó, chúng tôi đang mong muốn mở rộng điều trị PHCN nhi, điều trị cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển. Hiện tại chúng tôi đã có hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu, bây giờ cần bộ phận can thiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển mới hoàn thiện mô hình.
ÐỖ THẢO