Ứng xử chuẩn mực, phù hợp trong trường học
Thời gian qua xảy ra một số vụ việc liên quan đến bạo lực học đường xuất phát từ cách ứng xử chưa hợp lý trong môi trường giáo dục. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần quan tâm hơn đối với vấn đề ứng xử trong các cơ sở giáo dục, nhằm xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Vấn đề được nhiều người quan tâm là ở các trường mầm non, nhà giữ trẻ tư nhân đã có nhiều trường hợp (có thể vô tình hay cố ý) gây hoảng loạn về tinh thần, gây thương tích, nghiêm trọng hơn là có trường hợp trẻ tử vong.
Để ngăn chặn bạo lực, các trường học cần xây dựng văn hóa nhà trường. Ảnh minh họa của LAP
Nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy sinh viên ngành giáo dục mầm non ở Trường CĐ Bình Định (từ năm 2021 được sáp nhập vào Trường Cđ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), Th.S Đoàn Minh Hạnh cho rằng, đa số các vụ việc tiêu cực trong môi trường giáo dục mang tính chất tự phát; người giữ trẻ không có chuyên môn.
Bà Hạnh cho biết: Qua tìm hiểu, các trường hợp phản ứng tiêu cực có phần nguyên nhân bị áp lực từ phía phụ huynh, nhà trường khi ép các cháu học, ép cháu ăn để tăng cân… Chưa kể, công việc quá tải đối với giáo viên khi phải phụ trách số trẻ quá nhiều hơn quy định trong một lớp, dẫn đến làm việc quá sức, sinh ra nóng nảy… Để khắc phục tình trạng này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ các bên liên quan. Cần có các khóa học “cân bằng cảm xúc” cho giáo viên mầm non và phụ huynh để giúp họ biết cách giải tỏa áp lực, bức xúc, nhất là trong mối quan hệ tương tác với nhau khi xảy ra các việc không hay.
Quan trọng hơn cả là mỗi giáo viên mầm non, người giữ trẻ phải nâng cao ý thức nghề nghiệp với đối tượng chăm sóc dễ bị tổn thương, dễ gây bức xúc cho phụ huynh. Một giáo viên mầm non ở TP Quy Nhơn (không muốn nêu tên) chia sẻ: “Cách đây nhiều năm, khi cố gắng dỗ dành một trẻ rất biếng ăn trong lớp ăn mà cháu không hợp tác, tôi nổi nóng đánh vào mông cháu để lại lằn đỏ. Dù tôi hết sức xin lỗi nhưng bố mẹ cháu vẫn kiện, không chỉ ảnh hưởng nỗ lực nhiều năm trong nghề của tôi mà còn là uy tín của trường. Tôi bị sốc khá lâu, nhưng qua đó bản thân và đồng nghiệp cũng thấy được bài học đắt giá, luôn cẩn trọng hơn từ hành động, lời nói khi chăm sóc trẻ”.
Trong khi đó, vấn nạn bạo lực học đường chủ yếu rơi vào học sinh THCS, THPT. Nổi cộm gần đây là cuối tháng 5.2022 khi xảy ra vụ xô xát của học sinh ở một trường quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, qua đó đặt ra vấn đề ứng xử của bố mẹ học sinh và nhà trường; rồi nhóm học sinh một trường THCS ở tỉnh Long An đánh bạn ngay tại phòng học, bị quay clip đưa lên mạng xã hội…
Theo cựu hiệu trưởng một trường THCS ở Quy Nhơn, Bộ GD&ĐT đã có thông tư quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, áp dụng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học, cha mẹ người học. Trong bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2021, cũng có nhiều nội dung về xây dựng văn hóa nhà trường; xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường; phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trường tiểu học, THCS, THPT.
Tuy nhiên, từ “lý thuyết” đến “thực hành”, muốn hiệu quả thì phải bám sát thực tế cuộc sống, quan trọng nhất là gắn kết tốt hơn giữa nhà trường - giáo viên - phụ huynh - học sinh trong giáo dục; cùng nhau giải quyết các vấn đề hạn chế, tiêu cực một cách đúng đắn, hài hòa nhất có thể.
Chị Ngọc Phụng, có hai con đang học bậc THCS, THPT ở TP Quy Nhơn, rất quan tâm theo dõi các vụ bạo lực học đường trên báo chí, mạng xã hội. “Độ tuổi này, các cháu còn bồng bột, dễ bị kích động, dễ xảy ra bạo lực với bạn bè, nhất là những em không có sự quan tâm từ gia đình hoặc được gia đình nuông chiều quá mức. Theo tôi, cần phát huy trách nhiệm từ cả nhà trường và gia đình, trên cơ sở phối hợp, tôn trọng, chia sẻ lẫn nhau, hướng đến mục đích cuối cùng là tránh tiêu cực. Khi xảy ra trường hợp tiêu cực thì phối hợp tốt trong xử lý để hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp tục tác động xấu đến các cháu liên quan”, chị Ngọc Phụng chia sẻ.
HOÀI THU