Nhân sự kiện Việt Nam sản xuất thành công vắc xin dịch tả heo châu Phi:
Giúp người chăn nuôi ứng phó tốt với dịch bệnh
Ngày 3.6, Bộ NN&PTNT chính thức công bố thông tin Việt Nam sản xuất thành công vắc xin thương mại NAVET - ASFVAC do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương (Navetco) sản xuất phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi. Đây được xem là bước tiến mới của khoa học Việt Nam, giúp người chăn nuôi ứng phó tốt hơn với dịch bệnh. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y xung quanh vấn đề này.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Ảnh: THU DỊU
Theo công bố của Bộ NN&PTNT, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, đảm bảo vô trùng, an toàn và hiệu lực miễn dịch trong 6 tháng. Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y giám sát việc thử nghiệm vắc xin trong 2 giai đoạn trước khi triển khai tiêm phòng đại trà. Cụ thể: Giai đoạn 1 - sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC ở diện hẹp với số lượng vacxin dự kiến được phép sử dụng 600 nghìn liều tiêm theo chỉ định của Cục Thú y và giám sát của chuyên gia; giai đoạn 2 sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng vắc xin NAVET - ASFVAC ở giai đoạn 1, Cục Thú y báo cáo Bộ NN&PTNT chỉ đạo sử dụng vắc xin ở phạm vi toàn quốc.
*Thưa ông, từ góc độ chuyên môn, ông đánh giá thế nào về sự kiện Việt Nam sản xuất thành công vắc xin NAVET - ASFVAC phòng bệnh DTHCP?
DTHCP xuất hiện đến nay đã 100 năm, bệnh không lây sang người, chỉ xảy ra trên heo với tốc độ lây lan nhanh ở mọi đối tượng heo và tỷ lệ chết cao lên tới 100%. Bệnh do vi rút DTHCP gây ra dù được chữa khỏi, song số heo bị nhiễm bệnh vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang mầm bệnh suốt đời. Do vậy, nếu đàn có heo bị nhiễm thì rất khó để loại trừ hoàn toàn được mầm bệnh. Theo thống kê của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO), DTHCP là mối đe dọa lớn với ngành chăn nuôi trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, DTHCP lần đầu xuất hiện vào tháng 9.2019, sau đó lan nhanh ra phạm vi cả nước, ngành chăn nuôi buộc phải tiêu hủy hơn 6 triệu con heo, thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng. Đến nay, dịch bệnh còn xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Đặc điểm của vi rút DTHCP là có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp, nguy cơ bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao nếu không có vắc xin phòng bệnh hiệu quả. Trong khi ở nước ta, quy mô chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ lớn, trong đó nhiều hộ chưa đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, do đó nguy cơ dịch bệnh phát sinh rất cao.
Ngay khi DTHCP xuất hiện tại Việt Nam, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, tổ chức nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh. Từ chỉ đạo của Trung ương, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và các DN có tiềm năng, nguồn lực và có kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu, sản xuất, đăng ký lưu hành vắc xin DTHCP. Trải qua quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm lâm sàng, đủ điều kiện công bố vắc xin thương mại - đây là tín hiệu vui cho ngành chăn nuôi, mở ra hướng điều trị bệnh triệt để, từng bước giúp người chăn nuôi chủ động phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh. Bệnh do vi rút gây ra, phương pháp phòng, chống dịch bệnh tốt nhất là dùng vắc xin.
Bình Định là một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn của miền Trung. Nhiều hộ chăn nuôi chuyển sang chăn nuôi theo hướng an toàn. Ảnh: THU DỊU
*Với Bình Định, ngành Chăn nuôi và Thú y tham gia đánh giá khảo nghiệm vắc xin DTHCP như thế nào?
Như tôi đã nói, bệnh do vi rút chỉ có phòng ngừa bằng vắc xin là hiệu quả và ít tốn kém nhất. Ngay khi Bộ NN&PTNT công bố sản xuất thành công vắc xin thương mại NAVET-ASFVAC và thí điểm giai đoạn 1 với 600 nghìn liều, Bình Định đã đăng ký mua 100 nghìn liều để khảo nghiệm. Hiện Chi cục đã có văn bản đăng ký mua vắc xin với DN. Trên cơ sở đăng ký của các địa phương trong cả nước, DN lựa chọn và báo cáo Cục Thú y để tiến hành tiêm thí điểm trong giai đoạn 1. Trường hợp tỉnh Bình Định được chọn để tiêm phòng lần này, phía DN sẽ cử chuyên gia vào trực tiếp phối hợp với cán bộ thú y giám sát chặt chẽ quá trình tiêm phòng.
Bình Định có ngành chăn nuôi phát triển và đóng góp tỷ lệ lớn trong tăng trưởng của ngành NN&PTNT. Đến nay, tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đàn bò 297.500 con, đàn trâu 17.450 con, đàn heo 870.500 con. Chăn nuôi phát triển, song nhiều năm liền với áp lực dịch bệnh, giá cả thị trường lên xuống bấp bênh gia tăng rủi ro cho người chăn nuôi.
Với bệnh DTHCP, dù mới xuất hiện trong vài năm gần đây, nhưng thiệt hại về mặt kinh tế cho người chăn nuôi trong tỉnh là rất lớn, gián tiếp làm cho việc tái đàn khó khăn. Chúng tôi kỳ vọng được tham gia vào đợt thí điểm đầu tiên này để giảm áp lực, khó khăn do dịch bệnh gây ra cho ngành chăn nuôi.
*Ông có khuyến cáo nào cho người chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh?
Đến nay, công tác tiêm phòng các bệnh trên đàn vật nuôi đang triển khai đúng tiến độ, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng. Riêng với DTHCP, từ đầu năm đến nay, xuất hiện lẻ tẻ ở các địa phương. Về cơ bản, DTHCP được kiểm soát, song với việc bệnh do vi rút chưa có thuốc đặc trị, nguy cơ dịch bùng phát rất lớn. Với diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay, nguy cơ đàn vật nuôi xảy ra dịch bệnh là rất cao, trong đó có cả DTHCP. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người chăn nuôi nên tuân thủ khuyến cáo của cơ quan thú y trong công tác tiêm phòng, chăm sóc đàn vật nuôi; đặc biệt là nên chủ động phối hợp với lực lượng thú y trong trường hợp đàn vật nuôi nhiễm bệnh. Đồng thời, phía Chi cục tiếp tục theo dõi, đôn đốc công tác tiêm phòng dịch bệnh theo kế hoạch tiêm phòng đã đề ra.
Về việc đăng ký tiêm vắc xin DTHCP, trên cơ sở báo cáo, đề xuất đăng ký của địa phương, chúng tôi có thông báo sớm nhất về kế hoạch thí điểm tiêm phòng đợt 1; đồng thời có tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh xem xét những vấn đề liên quan trong quá trình chuẩn bị cho việc tiêm phòng vắc xin DTHCP đại trà.
*Xin cảm ơn ông!
THU DỊU (Thực hiện)