Các nghi lễ của đám cưới Bana K’riêm
Đám cưới truyền thống của người Bana K’riêm trải qua khá nhiều phân đoạn và nghi thức khác nhau như: Lễ dạm hỏi, lễ ông mai, lễ cúng báo tin những người đã khuất, rồi mới tới lễ cưới. Trong lễ cưới, lại có nhiều lễ nhỏ khác nhưng quan trọng hơn cả là lễ rước dâu và lễ cúng cô dâu chú rể chính thức thành vợ chồng. Trong đám cưới truyền thống của người Bana K’riêm, cô dâu đóng vai trò là một chủ thể xuyên suốt, nghi thức nào cũng có cô dâu; vai trò chủ thể gia đình trong tương lai của cô dâu thể hiện rõ nét ngay trong đám cưới.
Nét đẹp của cô dâu Bana được toát lên ngay từ nghi thức rước dâu. Khác với trang phục sặc sỡ của các thành viên trong đoàn rước dâu, cô dâu chỉ được mặc bộ trang phục cũ, thậm chí là bị rách. Bởi theo quan niệm của bà con thì mặc như vậy chú rể sẽ thấy bình thường, như thế thì khi về làm dâu rồi, trở thành vợ chồng rồi, chú rể sẽ thấy vợ mình thật đẹp khi mặc những bộ đồ mới của ngày thường. Điều này giúp cho quá trình chung sống vợ chồng sau này được bền chặt hơn. Đây là một trong những quan niệm khá thú vị của người Bana.
Một cô dâu Bana K’riêm (người đi đầu tiên) thực hiện nghi thức lấy nước. Ảnh: NGUYỄN VIẾT TUẤN
Khi đoàn rước dâu đến nhà chú rể thì cô dâu phải được thầy cúng làm lễ cô dâu bước qua cửa, trước khi vào nhà. Khi đoàn rước nhà gái vào trong nhà sẽ được nhà trai làm lễ mời trầu nhà gái. Ngay sau đó, cô dâu tương lai phải thực hiện ngay lễ đi múc nước và lễ giã gạo.
Lễ đi múc nước, cô dâu sẽ phải mang quả bầu khô ra suối múc nước, rồi đem về đổ vào nồi đồng, sau đó nước này sẽ được dùng để rót vào các ghè rượu cần, sử dụng cho các nghi thức tiếp theo. Sau khi lễ đi múc nước tiến hành xong, cô dâu sẽ tiến ra ngoài sân để thực hiện nghi lễ giã gạo. Tiếp theo sẽ là một số lễ khác như: Lễ uống rượu cần mừng cô dâu; Lễ cúng rượu mời nhà gái ăn cơm, Lễ cúng dãy ghè rượu để mời bà con dòng họ uống; rồi đến nghi lễ quan trọng nhất là Lễ cúng cô dâu chú rể chính thức thành vợ chồng. Đến nghi lễ này thì chú rể mới được xuất hiện cùng cô dâu. Sau nghi lễ này là lễ kêu tên nhận diện họ hàng hai bên nhà trai và nhà gái.
Ngay sáng sớm hôm sau sẽ là: Lễ cô dâu chú rể đi xúc cá, lễ cô dâu chú rể đi lao động làm rẫy. Đôi vợ chồng mới cưới phải tiến hành nghi lễ đi xúc cá ngoài suối. Cô dâu và chú rể phải đem theo các vật dụng như rổ xúc cá, giỏ đựng cá và ra một con suối gần nhà để xúc cá. Đây được xem là một hoạt động lao động chung đầu tiên kể từ khi hai người chính thức thành vợ chồng. Số cá xúc được xem như là thành quả lao động đầu tiên của cặp vợ chồng trẻ.
Ngay sau khi lễ cô dâu chú rể đi xúc cá kết thúc thì sẽ chuyển sang lễ cô dâu chú rể đi lao động làm rẫy. Cô dâu và chú rể sẽ cùng với bố mẹ và anh em nhà trai lên rẫy lao động. Đây được xem là hoạt động lao động đầu tiên mà cô dâu cùng làm chung với gia đình nhà trai, điều này sẽ giúp cô dâu sớm làm quen và bắt nhịp được với cuộc sống của nhà chồng. Sau khi hoàn thành nghi thức này thì tiến trình một đám cưới truyền thống của người Bana K’riêm mới chính thức kết thúc.
Ngày nay, đám cưới của đồng bào đã gọn hơn so với trước rất nhiều và tùy điều kiện của hai gia đình mà sẽ tổ chức số lễ nhiều hay ít. Nhưng dù thế nào, thì cũng có rất ít đám cưới tổ chức hoàn toàn đầy đủ các lễ như ngày xưa.
NGUYỄN VIẾT TUẤN