Thiên chức nhà văn
Kể từ khi Trung Quốc đem giàn khoan 981 đặt trên vùng biển của Việt Nam, biển Đông với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trở thành “thỏi nam châm” thu hút sự quan tâm, dõi theo của triệu triệu người dân Việt Nam. Văn nghệ sĩ, bộ phận được xem là nhạy cảm trong xã hội, cũng đã đi tiên phong trong phản đối hành động Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nước ta. Họ lên tiếng, bằng tinh thần yêu nước và thông qua các hoạt động nghệ thuật chuyên môn, sinh hoạt nghề nghiệp của mình. Trong số này, hăng hái và mạnh mẽ nhất có lẽ là nghệ sĩ ở hai lĩnh vực âm nhạc và văn học. Nhạc sĩ tiếp tục sáng tác mới nhiều ca khúc hay về biển đảo. “Mắt xích” tiếp theo - ca sĩ nhanh chóng phổ biến những tác phẩm mới ấy đến công chúng, người dân. Nhiều bài thơ hay về biển đảo ra đời, lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội làm xúc động lòng người…
Mạng xã hội tràn ngập sắc cờ đỏ sao vàng. Lẫn trong dòng người đông đảo, nhiệt huyết ấy, có sự hiện diện của một số nhà văn - những “thư ký trung thành của thời đại” (*). Trang cá nhân của các nhà văn Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Văn Thọ… đăng những hình ảnh, bài thơ, dòng chia sẻ xúc động về người lính hải quân giã từ gia đình, đất liền đến nơi đầu sóng, làm gợi lên niềm tự hào về một truyền thống đẹp của dân tộc: “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”. Cá biệt như nhà văn Nguyễn Quang Vinh. Theo dõi sát sao thời sự về tình hình biển Đông, nhà văn không chỉ công phu “lọc tin và bình luận” mỗi ngày, mà còn viết hẳn “Thư gửi các nhà văn Trung Quốc”. “Chúng ta - những nhà văn, không chỉ ngồi viết ra những tác phẩm về con người của đất nước mình, say mê và lãng mạn, cố thủ trong ý thức dân tộc, mà quên đi trách nhiệm đối với thế giới bên ngoài, mà giả tảng về những hành xử không tốt đẹp của nhà nước mình đối với các nước láng giềng”. Và đó không chỉ là tiếng nói lẻ loi của một cá nhân. Ngày 15.5, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh thay mặt Ban Chấp hành Hội đã có bức thư ngỏ gửi tới Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc Thiết Ngưng, kêu gọi các nhà văn Việt Nam, Trung Quốc và các nhà văn trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý...
Một vài dẫn chứng để thấy thời gian qua, văn nghệ sĩ cả nước, trong đó có những người cầm bút đã thể hiện tình yêu, quyền và nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng của người công dân đối với đất nước. Tổ quốc, nhân dân ghi nhận và tri ân tinh thần ấy. Song, Tổ quốc, nhân dân cũng đòi hỏi ở họ nhiều hơn thế. Bởi, trách nhiệm xã hội của người viết văn trước hết và lớn lao nhất chính là trách nhiệm đối với tác phẩm của mình. Khi Tổ quốc đứng trước bão giông, hơn lúc nào hết, tình yêu nước, nghĩa đồng bào, lòng tự hào dân tộc cần được vun đắp. Tổ quốc đang cần những áng thơ văn có sức mạnh kêu gọi toàn dân ra sức học tập, lao động, sản xuất, sáng tạo, thi đua ái quốc. Tổ quốc đang cần những “thư ký” dồi dào bút lực, viết nên những tác phẩm lớn mang tầm thời đại và cần cho dân tộc lúc này.
Thi sĩ Sóng Hồng - Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng có những câu thơ làm hoa tiêu cho người cầm bút thời bấy giờ: “Là thi sĩ nghĩa là cao khúc họa/cuộc đấu tranh vĩ đại của hoàn cầu/chống hung tàn xâm lược khắp năm châu/trên trái đất dựng cao cờ dân chủ/dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền”. Thiên chức nhà văn được nhắn nhủ trong ý thơ vừa dẫn, có lẽ đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự và tính đúng đắn! Thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội của nhà văn và cả văn nghệ sĩ nói chung, bằng cách cống hiến những tác phẩm có giá trị lớn về tư tưởng và nghệ thuật, chính là hành động thiết thực và thuyết phục nhất.
KHẢI THƯ
(*): Cách gọi của nhà văn Balzac (Pháp)