Hoa Kỳ nhất quán ủng hộ một Việt Nam giàu mạnh và thịnh vượng
Thứ trưởng thứ nhất Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman khẳng định, Hoa Kỳ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, nhất quán ủng hộ một Việt Nam giàu mạnh và thịnh vượng, mong muốn nâng tầm quan hệ khi điều kiện phù hợp.
Trong cuộc tiếp Thứ trưởng thứ nhất Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ, trong đó có Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự tiếp đón chu đáo, trọng thị nhân dịp dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ; thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Thứ trưởng thứ nhất Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu; sẵn sàng cùng Hoa Kỳ thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Bộ trưởng chúc mừng Hoa Kỳ đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, qua đó khẳng định cam kết lâu dài của Hoa Kỳ tăng cường hợp tác và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực.
Thứ trưởng Wendy Sherman khẳng định, Hoa Kỳ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, nhất quán ủng hộ một Việt Nam giàu mạnh và thịnh vượng, mong muốn nâng tầm quan hệ khi điều kiện phù hợp. Bà Sherman đánh giá chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thu được nhiều kết quả thực chất, tạo động lực cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư.
Bà Sherman bày tỏ nhất trí về việc Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ có những hệ quả tích cực cả về song phương và đa phương; vui mừng khi lợi ích và chính sách của Hoa Kỳ và ASEAN có nhiều điểm tương thích; khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng, có trách nhiệm với châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, và sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với các nước thành viên ASEAN để khai thác hiệu quả dư địa trong quan hệ.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Wendy Sherman trao đổi về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực song phương như trao đổi đoàn cấp cao, phòng, chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch, trao đổi thương mại-đầu tư, khắc phục hậu quả chiến tranh, vấn đề đất xây dựng trụ sở cơ quan đại diện…
Hai bên cũng thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như các sáng kiến kết nối tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vấn đề Biển Đông, phát triển bền vững và tăng cường hợp tác giáo dục tại tiểu vùng Mê Công, tình hình Nga-Ukraine…
Buổi làm việc giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Thứ trưởng thứ nhất Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cũng đã có buổi làm việc với Thứ trưởng thứ nhất Wendy Sherman. Tiếp nối thành công chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân dịp dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đề nghị bà Sherman phối hợp thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden trong năm 2022.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục trao đổi, chia sẻ thông tin với Việt Nam về các sáng kiến khu vực. Thứ trưởng cũng đề nghị phía Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh, chuyển đổi năng lượng sạch…
Thứ trưởng thứ nhất Wendy Sherman bày tỏ vui mừng khi hai bên từng bước nối lại các hoạt động tiếp xúc trực tiếp, trao đổi đoàn sau dịch Covid-19. Bà Sherman khẳng định Hoa Kỳ và các nước sẵn sàng hỗ trợ về nguồn lực, tài chính, công nghệ, kỹ thuật… để Việt Nam thực hiện thành công các cam kết tại COP26, các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh; công bố bổ sung ngân sách 19 triệu USD cho các hoạt động rà phá bom mìn tại Việt Nam.
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có Biển Đông, tình hình Nga-Ukraine. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia, cũng như việc đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các khuôn khổ hợp tác khu vực, nhất là các cơ chế của ASEAN và hợp tác tiểu vùng Mê Công.
Theo ĐINH TRƯỜNG (NDĐT)