Nhiều tín hiệu khả quan từ dự án chè dây An Toàn
Khởi động từ tháng 10.2020, đến nay dự án “Chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây Ampelopsis cantoniensis (Hook. et Arn) Planch cho đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng liên kết chuỗi sản xuất dược liệu hiệu quả, bền vững nhằm cải thiện sinh kế, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng tại xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định” đã đi hơn nửa chặng đường.
Các đại biểu kiểm tra sự sinh trưởng chè dây trong mô hình của dự án. Ảnh: T.N
Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, Hội LHPN huyện An Lão tiếp nhận và triển khai, dự kiến kết thúc vào tháng 4.2023.
Đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự cố gắng của các thành viên dự án, sự phối hợp tốt của các bên liên quan, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của chính quyền và người dân tại địa phương, dự án đã triển khai được nhiều hoạt động và đạt kết quả tốt. Đáng kể nhất là đã ký kết thỏa thuận tiêu thụ giữa Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Toàn (đại diện cho cộng đồng); điều tra hiện trạng để lập bản đồ phân bố, đánh giá sản lượng chè dây; xây dựng vườn bảo tồn và nhân ươm giống tại An Toàn; tổ chức tập huấn, đào tạo giảng viên nguồn và lớp học ngay tại hiện trường; xây dựng mô hình thâm canh chè dây dưới tán rừng (1,5 ha) hợp chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới); xây dựng mô hình thâm canh chè dây tại vườn hộ dân (0,6 ha) hợp chuẩn GACP-WHO; tập huấn nâng cao năng lực cho nhóm chuyên gia cán bộ hiện trường và nông dân chủ chốt.
Hiện nay, chè dây trong các mô hình dự án (3 loại mô hình/9 điểm trình diễn/3 thôn) sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 80 - 90%, khối lượng thu hái tươi trung bình 130 - 150 g/cây. Tới đây các chuyên gia sẽ hướng dẫn các hộ dân thu hái chè dây theo chuẩn GACP-WHO để cung cấp cho BIDIPHAR.
THÀNH NGUYÊN