NGÀY HỘI VH-TT CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ MIỀN NÚI TỈNH BÌNH ÐỊNH LẦN THỨ XVI - NĂM 2022:
Sẵn sàng khai hội
Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XVI - năm 2022 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững đất nước” diễn ra từ ngày 16 - 18.6 tại huyện Vĩnh Thạnh với nhiều nội dung văn hóa, văn nghệ, TDTT. Hiện tại, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng khai hội.
Qua 16 kỳ tổ chức (2 năm/ lần), có thể khẳng định, Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh thật sự đã trở thành ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số, là dịp gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng đời sống văn hóa, phát triển KT-XH, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Phong phú, đa dạng sắc màu văn hóa
Ngày hội lần này có sự tham gia của 6 đoàn nghệ nhân, diễn viên, VĐV đến từ các huyện: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân. Nhiều phần thi được tổ chức: Trại đẹp, biểu diễn nghệ thuật quần chúng, người đẹp ngày hội, trình diễn lễ hội dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống; giao lưu nghệ thuật cồng chiêng, giao lưu nghệ thuật ẩm thực; thi đấu các môn TDTT như bóng đá nam, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co.
Huyện Vân Canh tổng duyệt chương trình nghệ thuật, sẵn sàng tham gia Ngày hội. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Chị La Thị Huyền Giang, viên chức Trung tâm VH-TT&TT huyện Vân Canh, cho biết: Đoàn VH-TT huyện Vân Canh tham gia biểu diễn 4 tiết mục nghệ thuật quần chúng mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương, gồm: Tốp ca nam, nữ “Đảng trong lòng dân”, biểu diễn trống kơ - toang, hòa tấu cồng chiêng “Vào mùa”, múa “Lấy nước”. Mặc dù việc tập luyện tương đối khó khăn do các diễn viên, nghệ nhân ở nhiều làng khác nhau, ít có dịp tập hợp nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực hoàn thành các tiết mục, sẵn sàng phần thi của đơn vị mình.
Huyện An Lão cũng quyết tâm cao khi tham gia Ngày hội lần này. Ông Phạm Lắm, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện An Lão, cho biết: Ngày hội lần thứ XV - năm 2019 tổ chức tại huyện Tây Sơn, đoàn An Lão đạt giải nhất toàn đoàn. Ngày hội lần này, chúng tôi quyết tâm giữ vững thành tích, đồng thời nâng cao chất lượng các tiết mục, phần thi. Hơn 70 VĐV, diễn viên, nghệ nhân của Đoàn VH-TT huyện An Lão tập trung làm nhà trại cả tháng để đảm bảo yêu cầu về mỹ thuật, kỹ thuật; các môn TDTT, các tiết mục văn nghệ cũng được tập luyện tích cực để tham gia Ngày hội.
Là đơn vị đăng cai, huyện Vĩnh Thạnh cũng chủ động chuẩn bị lực lượng nghệ nhân, diễn viên, VĐV tập luyện tham gia. Anh Đinh Trường, Trưởng thôn Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh), tâm tình: “Trong thôn chúng tôi có nhiều nghệ nhân, VĐV được chọn tham gia làm nhà trại, thi đấu TDTT, trình diễn nghệ thuật quần chúng. Từ đầu tháng 6, chúng tôi vừa làm nhà trại, vừa tập luyện các tiết mục nghệ thuật mang bản sắc đặc trưng của đồng bào dân tộc Bana để tham gia Ngày hội”.
Nhiều ngày qua, thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) trở nên nhộn nhịp, được tô điểm thêm sắc màu cờ hoa, băng rôn, áp phích tuyên truyền trực quan cho Ngày hội. Thị trấn Vĩnh Thạnh đón nhiều người hơn, các tuyến đường chính tấp nập người, xe qua lại; đặc biệt, tại khu vực SVĐ huyện Vĩnh Thạnh-khu vực chính diễn ra các hoạt động trong Ngày hội - những ngôi nhà trại mang dáng vóc nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh được dựng lên sẵn sàng khai hội.
Từ ngày 12.6, các đơn vị tham gia Ngày hội đã dựng nhà trại tại sân vận động huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: VĂN VINH
Theo ông Lê Văn Vinh, Trưởng Phòng VH-TT huyện Vĩnh Thạnh, huyện đã cho lắp đặt thêm nhiều khu vệ sinh, nhà tắm lưu động, chuẩn bị đủ nước sinh hoạt tại SVĐ huyện Vĩnh Thạnh phục vụ lực lượng VĐV, diễn viên, nghệ nhân các đoàn về tham gia Ngày hội. Ngoài ra, bố trí thêm nhiều thùng rác, nhân công thu gom rác thường xuyên để đảm bảo vệ sinh môi trường; chú trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ANTT, an toàn giao thông trong suốt thời gian diễn ra Ngày hội.
Chương trình Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XVI - năm 2022: Ngày 16.6, sơ tuyển người đẹp miền núi, thi đấu bóng đá; lãnh đạo tỉnh và các địa phương dâng hoa tại Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh; lãnh đạo tỉnh đi thăm trại, xem triển lãm ảnh. Lễ khai mạc Ngày hội, biểu diễn nghệ thuật quần chúng (tối 16.6). Ngày 17.6, thi đấu bóng đá, bắn nỏ, dệt thổ cẩm; chấm trại đẹp và giới thiệu lễ hội dân gian của đồng bào Hre, huyện An Lão; đồng bào Bana huyện Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát, Vĩnh Thạnh và đồng bào Chăm H’roi huyện Vân Canh; chung kết người đẹp miền núi (tối 17.6). Ngày 18.6, tiếp tục thi đấu bóng đá, kéo co và thi chung kết hai môn thi đấu này, trao giải các môn TDTT trong Ngày hội; giao lưu văn hóa ẩm thực; bế mạc Ngày hội, trao giải cho các đơn vị tham gia (tối 18.6).
Các đơn vị tham gia cũng chủ động bố trí việc ăn ở, sinh hoạt cho đoàn mình. Ông Ngô Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Vân Canh, cho biết: “Năm nay chúng tôi làm nhà trại lớn hơn so với mọi lần, cùng với đó, còn dựng thêm rạp để VĐV, nghệ nhân, diễn viên có nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt. Còn việc ăn uống, chúng tôi thuê một nhà hàng ở Vĩnh Thạnh nấu ăn phục vụ cả đoàn, không nấu ăn tại trại như mấy lần trước”.
Sở VH&TT phối hợp huyện Vĩnh Thạnh và các địa phương cũng đã chủ động triển khai mọi khâu để đảm bảo Ngày hội diễn ra thành công. Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT - Phó trưởng ban Ban tổ chức Ngày hội, cho biết: Ngoài ý nghĩa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Ngày hội còn là cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch Bình Định đến với du khách. Do đó, dù còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, ăn ở, thời tiết lại nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến VĐV tham gia các môn thi đấu…, nhưng huyện Vĩnh Thạnh đã phối hợp chặt chẽ, xây dựng các nội dung tổ chức Ngày hội đảm bảo chu đáo, sẵn sàng khai hội để mang đến cho các đoàn tham gia, người dân và du khách một chuỗi sự kiện Văn hóa - Thể thao đầy màu sắc, ý nghĩa và thành công.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN