Tích cực ngăn chặn buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại
Vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, buôn lậu, hàng cấm, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh tuy không rầm rộ nhưng diễn biến khá phức tạp. Nắm chắc tình hình, địa bàn, Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh đã phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm này.
Theo Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh, trước nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả. Các vi phạm chủ yếu là vận chuyển, buôn bán hàng cấm (thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, pháo nổ, thuốc bảo vệ thực vật…); vận chuyển, buôn bán hàng ngoại nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; sản xuất, buôn bán hàng giả… Cùng với đó, tình trạng sản xuất không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, không công bố chất lượng, sản xuất thủ công, tự pha chế, đóng gói có xu hướng gia tăng.
Đơn cử như việc phát hiện trên 2.100 thùng gas với nhiều nhãn hiệu khác nhau tại Cụm công nghiệp Phú An (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn) vào cuối tháng 3 vừa qua. “Đây là một dạng vi phạm mới trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng mua vỏ bình gas cũ của nhiều nhãn hiệu khác nhau rồi mài cắt, sửa và sơn lại thương hiệu khác, thậm chí sửa lùi hạn các bình đã quá hạn kiểm định để đưa ra thị trường tiêu thụ”, trung tá Phan Đình Chẩn, Đội trưởng Đội Đấu tranh, phòng ngừa án buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ (Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh), cho biết.
Lực lượng CA kiểm tra hiện trường vụ phát hiện trên 2.100 thùng gas với nhiều nhãn hiệu khác nhau có nhiều vi phạm tại Cụm công nghiệp Phú An. Ảnh: K.A
Không những vậy, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn có nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó với công tác kiểm tra của lực lượng chức năng. Trong đó, có việc lợi dụng đặc thù tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, chia nhỏ hàng hóa rồi vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện, tuyến đường; tận dụng triệt để sự tiện dụng của mạng xã hội, lợi dụng sự sơ hở của dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng cấm, hàng ngoại nhập lậu.
Đơn cử, chỉ từ đầu tháng 6.2022 đến nay, Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh đã phát hiện, kiểm tra, bắt giữ 2 vụ vận chuyển hàng cấm là thuốc lá ngoại nhập lậu, thuốc diệt cỏ có chất không được sử dụng tại Việt Nam bằng xe khách và xe tải chạy tuyến Bắc - Nam.
Xác định công tác đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, lực lượng CA nắm chắc tình hình, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát kinh tế, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý trên 80 vụ việc vi phạm pháp luật ở lĩnh vực kinh tế, trong đó Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện, xử lý 14 vụ.
Để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, trung tá Nguyễn Thanh Quang, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế (CA tỉnh) cho biết, lực lượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra đối với các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục nhận diện các thủ đoạn mới để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
“Bám sát và linh hoạt trong đấu tranh sẽ góp phần triệt phá kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng không rõ xuất xứ, chất lượng kém. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong tỉnh cũng như các địa phương khác để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng cấm, hàng ngoại nhập lậu... Qua đó, góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh”, trung tá Quang nói.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần nêu cao ý thức, tích cực phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm, không tham gia, tiếp tay, bao che đối với hoạt động này.
KIỀU ANH