THẠC SĨ TRƯƠNG THỊ THUẬN:
“Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi”
16 năm công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV, thuộc Bộ NN&PTNT), Th.S Trương Thị Thuận đã nghiên cứu lai tạo, chọn tạo thành công nhiều giống đậu đỗ kháng bệnh, năng suất cao, góp phần đem lại những mùa vụ bội thu cho nông dân.
Tiết trời tháng 6 nóng bức, nhưng trên cánh đồng rộng 0,6 ha sau ASISOV cơ sở 2 (đóng ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn), chị Thuận vẫn miệt mài ghi chép các chỉ số sinh trưởng của nhiều loài cây đậu đỗ, như đậu phụng, mè, đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành… nhằm phục vụ việc lai tạo, chọn dòng.
Việc nghiên cứu chọn dòng ưu tú cần nhiều thời gian, nên đòi hỏi người nghiên cứu phải kiên trì và bền bỉ. Chị Thuận cho biết: “Từ lúc lai tạo đến chọn dòng ưu tú mất 4 - 5 năm. Sau khi hoàn thiện chọn dòng, chúng tôi phải triển khai nhân dòng, khảo nghiệm trên các vùng sinh thái, hoàn thiện quy trình canh tác, đến thực hiện mô hình khảo nghiệm sản xuất để tìm ra phương án, kết quả đạt hiệu quả kinh tế tốt nhất trước khi chuyển sang giai đoạn đưa giống mới thành sản phẩm hàng hóa để cung ứng cho thị trường”.
Th.S Trương Thị Thuận. Ảnh: A.N
Từ năm 2011 đến nay, Th.S Trương Thị Thuận là đồng tác giả nhiều giống đậu phụng, như: LDH.04 được Bộ NN&PTNT công nhận là giống sản xuất thử vào năm 2011, LDH.10 và LDH.13 được ASISOV công nhận là giống mới tiến bộ kỹ thuật vào năm 2016, LDH.09 được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) công nhận sản xuất thử vào năm 2017. Đồng thời, năm 2019, chị là cộng sự trong giải pháp: “Quản lý dinh dưỡng và nước tưới tổng hợp cho cây đậu phụng trên đất cát tỉnh Bình Định” đạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ XI và giải khuyến khích trong Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ XV (2018 - 2019).
Th.S Trương Thị Thuận (42 tuổi), tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, chuyên ngành Nông học vào năm 2005. Năm 2015, chị tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Công tác tại bộ môn cây đậu đỗ, ASISOV từ năm 2006 đến nay. Là một trong 59 cá nhân được tôn vinh danh hiệu “Trí thức tiêu biểu về KH&CN tỉnh Bình Định” lần thứ IV - năm 2022.
Đặc biệt, tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ XII, năm 2020 - 2021, giải pháp “Giống đậu phụng mới LDH.09 có khả năng chịu mặn, kháng bệnh héo xanh, phù hợp trên đất cát ven biển tại Bình Định” của chị đã đạt giải nhì. Chia sẻ về giống đậu phụng LDH.09, chị Thuận cho hay, chị và cộng sự phải mất khoảng 5 năm để chọn tạo. Hiện nay, giống đậu phụng này đã được bà con nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đưa vào canh tác, năng suất tươi bình quân đạt từ 8 - 10 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha. Trong năm 2021, Viện đã công bố lưu hành giống đậu phụng LDH.09 tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và đến năm 2022, giống đậu phụng này đã được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới.
Chưa kể một số giống đậu đỗ khác, chỉ tính riêng đối tượng cây đậu phụng, qua 16 năm nghiên cứu gần đây, chị Thuận và cộng sự đã nhân 150 dòng/giống bố mẹ; lai tạo được 50 tổ hợp lai mới, chọn lọc dòng ưu tú 8 tổ hợp lai F1, 600 dòng đang phân ly ở thế hệ từ F2 - F8. Hiện nay, chị Thuận và các cộng sự đang tiếp tục nghiên cứu nhiều giải pháp, như: Chọn tạo giống đậu xanh và mè năng suất cao cho các tỉnh phía Nam; nghiên cứu chọn tạo giống đậu phụng chịu hạn, kháng bệnh héo xanh cho các tỉnh miền Trung, hay nghiên cứu chọn tạo giống đậu phụng có hàm lượng dầu cao làm nguyên liệu chế biến dầu ăn cho vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
TRỌNG LỢI