Lấy đất của người khác chia di sản thừa kế
Gửi đơn tới Báo Bình Định, ông Hà Văn Lượm (SN 1962, ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), trình bày: Ông đang sử dụng thửa đất ở có số thửa 144 (TĐ 144), tờ bản đồ số 01, diện tích 200 m2, thuộc thôn Trường Cửu; trên đó có căn nhà cấp 4 xây dựng năm 1971. TĐ này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho mẹ ông là bà Huỳnh Thị Sương (SN 1931, đã mất đầu tháng 6.2022).
Ngày 28.7.2020, tại trụ sở UBND xã Nhơn Lộc, bà Nguyễn Thị Kịp, công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện soạn thảo bản “di chúc quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”. Bản di chúc có nội dung: Bà Sương và chồng là ông Hà Đào (đã mất trước năm 1975) có khối tài sản chung là TĐ 144, diện tích 590 m2 (200 m2 đất ở, 390 m2 đất vườn). Bà Sương để lại cho con gái là bà Hà Thị Lan (SN 1966) 1/2 quyền sử dụng đất đối với TĐ 144 và phần bà Sương được hưởng từ việc phân chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật do ông Đào chết để lại.
Hiện trạng các thửa đất đang có tranh chấp. Ảnh: V.L
Đáng nói, bản di chúc soạn thảo không đúng mẫu quy định của pháp luật về thừa kế di sản và có nhiều lỗi chính tả. Đặc biệt, thực tế TĐ 144 chỉ có 200 m2 đất ở; nhưng trong bản di chúc “đẻ” thêm 390 m2 đất vườn. Sau khi phát hiện những bất thường này, ông Lượm gửi đơn tới chính quyền địa phương đề nghị xem xét, giải quyết theo đúng quy định.
Luật sư Nguyễn Văn Triết, Văn phòng luật sư Triết và cộng sự (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định), cho biết: Theo quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Ông Lượm cho biết: “Mẹ tôi đau nặng từ năm 2018, đến năm 2020 đã 89 tuổi không còn minh mẫn; việc này được nhiều người dân địa phương và ông Trần Thế Vân, Trưởng thôn Trường Cửu xác nhận. Mẹ tôi nhờ bà Kịp đánh máy bản di chúc nhưng không có người làm chứng theo quy định. Ngoài ra, bản di chúc ghi sai diện tích TĐ 144. Tôi đề nghị UBND xã Nhơn Lộc và các ngành chức năng liên quan xem xét tính hợp pháp của bản di chúc này”.
Theo tìm hiểu, căn cứ trích lục và bản đồ địa chính xã Nhơn Lộc, liền kề về hướng Đông Nam của TĐ 144, cùng thuộc tờ bản đồ số 01 là TĐ 144a (diện tích 190 m2 đất ở, do ông Hà Văn Bảy đứng tên trong sổ đỏ) và TĐ 144b (diện tích 200 m2 đất ở, sổ đỏ đứng tên bà Lê Thị Châu). Như vậy, cộng cả 3 TĐ (144, 144a, 144b) lại mới đủ 590 m2 và đều là đất ở.
Một người con của bà Châu phàn nàn: “Đất của gia đình tôi đã được Nhà nước cấp sổ đỏ; đùng cái bị đưa vào di chúc của người khác để chia di sản thừa kế. Sự thiếu chính xác này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình tôi”.
Theo bà Kịp, thời điểm tháng 7.2020, bà Sương và bà Lan tới UBND xã Nhơn Lộc xin lập và chứng thực di chúc. Bà chỉ giúp soạn thảo di chúc theo yêu cầu của bà Sương. Ngoài ra, khi bà xác thực diện tích TĐ 144 tại bộ phận địa chính xã, do có sự nhầm lẫn nên ghi trong di chúc là 590 m 2 (?!).
Bà Nguyễn Thị Vinh Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: Đúng là TĐ 144 chỉ có 200 m2 đất ở. UBND xã đã mời những người liên quan làm việc, hòa giải để giải thích, hướng dẫn thủ tục giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Ông Lượm yêu cầu hủy bỏ di chúc, nhưng bà Sương đã qua đời; người lập di chúc không thể yêu cầu hủy bỏ di chúc. Trường hợp này, việc hủy bỏ di chúc thuộc thẩm quyền của tòa án.
Chưa đề cập đến chuyện bà Kịp có vụ lợi để soạn thảo bản di chúc hay không, nhưng việc sai sót về thông tin diện tích TĐ 144 và nhập đất của người khác vào tài sản chia thừa kế đang và sẽ phát sinh nhiều tình huống pháp lý. Rồi đây, có thể những người liên quan phải “đáo tụng đình” nhiều lần để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng; ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian, tiền bạc của họ.
VĂN LỰC