Tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp trong bảo vệ rừng
Ngày 18.5.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép. Trong đó, yêu cầu tăng cường vai trò của các cấp bộ, ngành Trung ương, địa phương, của người đứng đầu chính quyền các cấp từ Trung ương tới cơ sở nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, xử lý nghiêm những hành vi phá rừng trái pháp luật.
Ông LÊ ĐỨC SÁU, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm.
* Ông đánh giá như thế nào về Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18.5.2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật?
- Gần đây, tình hình phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật tại một số tỉnh diễn biến hết sức phức tạp; nhiều vụ vi phạm với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến dư luận xã hội bức xúc.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 05 chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp với mục đích ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, nhất là phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 05 tập trung vào 4 vấn đề trọng tâm: Chấn chỉnh tình trạng san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng; xử lý nghiêm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng xâm hại rừng trên địa bàn quản lý mà không phát hiện và ngăn chặn kịp thời; huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp. Rõ ràng, khi thực hiện đồng bộ các giải pháp dựa trên 4 trọng tâm này, chắc chắn công tác bảo vệ rừng sẽ đạt kết quả cao.
* Chỉ thị 05 tiếp tục nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các cấp chính quyền ở địa phương, vai trò của các bộ, ngành trong công tác bảo vệ rừng. Điều này đưa đến những thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Không phải đến Chỉ thị 05 mới nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các địa phương, các bộ, ngành trong chung tay bảo vệ rừng. Trước đó, Chỉ thị số 13 -CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Từ luật đến các văn bản dưới luật quy định rất rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp và nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại nhiều địa phương, chính quyền cấp xã thực hiện chưa quyết liệt; khi để xảy ra mất rừng, việc kiểm điểm kỷ luật đối với cấp ủy, chính quyền ở đó cũng chưa nghiêm túc, chưa đủ sức tạo chuyển biến.
Vai trò của người đứng đầu các cấp chính quyền ở địa phương trong việc bảo vệ rừng rất quan trọng, quyết định công tác bảo vệ rừng ở địa phương đó có tốt hay không. Nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương coi nhiệm vụ bảo vệ rừng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thì việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở nơi đó thuận lợi, tốt đẹp và ngược lại.
Lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các hội, đoàn thể tham gia tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng phòng hộ ven biển Phù Mỹ. Ảnh: THU DỊU
* Ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta. Trong triển khai Chỉ thị 05, ngành Kiểm lâm có những kế hoạch phối hợp thực hiện như thế nào?
- Với riêng Bình Định, thời gian qua, công tác bảo vệ rừng được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến xã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; nhiều biện pháp, giải pháp bảo vệ rừng được nhanh chóng triển khai đồng bộ, linh hoạt phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Nhờ vậy, công tác bảo vệ rừng của tỉnh đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, diện tích rừng của tỉnh quá lớn, địa hình chia cắt, rừng tập trung ở vùng sâu vùng xa, rất khó khăn trong việc tuần tra, kiểm soát hết diện tích nên tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số địa phương như Vĩnh Thạnh, Hoài Ân và An Lão, chưa được ngăn chặn triệt để.
Cùng với triển khai thực hiện Chỉ thị 05, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tăng cường phối hợp trong tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra, kiểm tra, phối hợp xử lý dứt điểm các “điểm nóng” hiện nay. Cùng đó, Chi cục tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết vấn đề sinh kế của người dân sống gần rừng để giảm áp lực lên rừng.
* Xin cảm ơn ông!
THU DỊU (Thực hiện)