An Lão giữ và phát huy nghề truyền thống
An Lão là huyện miền núi có khá nhiều làng nghề truyền thống như: Trồng dâu nuôi tằm, đan lát, nghề mộc, làm bánh tráng mì, bún khô, nấu rượu cần, nấu rượu nuôi heo… Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều nghề không bắt kịp nhu cầu thị trường, dần mất đi thị phần và cả sự quan tâm của người tiêu dùng. Từ đó dẫn đến việc người làm nghề chỉ làm vì ham thích, làm vì muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông mà không tính đến chuyện nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, mở rộng quy mô để bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng.
Trường hợp ông Đỗ Cao Thân, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng mì tại thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa là một ví dụ. Ông Thân chia sẻ: Tôi đã gắn bó với nghề làm bánh tráng mì mấy chục năm nay, nghề đã giúp gia đình tôi có cuộc sống ổn định. Song, các con tôi giờ không đứa nào muốn theo nghề nữa. Bởi, làm nghề này bỏ ra nhiều công sức nhưng thu nhập mang lại không cao.
Nghề trồng dâu nuôi tằm được người dân thôn Vạn Khánh, xã An Hòa duy trì, phát triển. Ảnh: D.T.D
Bên cạnh đó, sản xuất làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, chủ yếu là hộ gia đình. Từ đó khả năng đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ rất hạn chế, chất lượng sản phẩm từ hình thức đến nội dung khó nâng lên, sức cạnh tranh thấp. Bà Đinh Thị Tuyết, làm nghề đan đát ở thôn 2, xã An Toàn, tâm sự: Sản phẩm của mình hoàn toàn thủ công nên không thể nhanh - nhiều - rẻ như sản xuất hàng loạt bằng máy. Do vậy, sản phẩm mình làm ra rất khó bán, khi bán được cũng chỉ là bán cho những mối quen cần những món đồ đúng chất thủ công.
Đánh giá đúng giá trị trên nhiều phương diện của nghề truyền thống, nhiều năm qua, huyện An Lão không ngừng xúc tiến bảo tồn và phát huy hiệu quả nghề truyền thống. Điển hình là huyện tích cực thu hút các chương trình, dự án và từ nguồn vốn của chương trình 135, 30a… mở các lớp đào tạo nghề; điển hình là lớp đào tạo nghề trồng dâu nuôi tằm ở thôn Vạn Khánh (An Hòa), lớp đào tạo nghề mộc ở thôn Hưng Nhơn (thị trấn An Lão)… Cùng với đó, huyện tăng cường liên doanh, liên kết hỗ trợ tìm đầu ra, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn…
Để làng nghề duy trì ổn định và phát triển, giữ gìn những giá trị truyền thống của nghề, ngoài sự quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ của các cấp chính quyền, điều quan trọng nhất vẫn là chính các làng nghề, người làm nghề tự mình phát huy nội lực, tiếp cận cái mới; chủ động nghiên cứu đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, chia sẻ: Thời gian tới, huyện tiếp tục kết nối mở thêm các lớp đào tạo nghề ngắn hạn đến các thôn và các xã vùng khó khăn cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của người dân.
DIỆP THỊ DIỆU