Phạm nhân được lao động ngoài trại giam
Trại giam thuộc Bộ Công an được hợp tác với tổ chức trong nước để thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài nơi giam giữ.
Sáng 16.6, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an, với gần 94% đại biểu tán thành.
Kế hoạch hợp tác giữa trại giam với tổ chức trong nước do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt. Số lượng trại giam được thí điểm mô hình này không quá 1/3 trại thuộc Bộ Công an.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo nghị quyết, sáng 16.6. Ảnh: Hoàng Phong
Phạm nhân thuộc một trong các trường hợp sau sẽ không được lao động bên ngoài, gồm: tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; bị kết án từ hai lần; tái phạm nguy hiểm; là người tổ chức trong vụ án đồng phạm về tội đặc biệt nghiêm trọng; có thời gian chấp hành án phạt tù còn lại trên 7 năm; là người nước ngoài; đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; dưới 18 tuổi; từ đủ 60 tuổi; đang xếp loại chấp hành án phạt tù loại kém; từng trốn khỏi cơ sở giam giữ.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, khi thảo luận, đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến về việc trả công cho phạm nhân lao động, ví dụ quy định trả một phần công lao động cho phạm nhân, thống nhất với Luật Thi hành án hình sự; trả công cho phạm nhân ngoài trại giam theo quy định về lao động...
Thường vụ Quốc hội cho rằng Luật Thi hành án hình sự quy định lao động vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền của phạm nhân. Chế độ lao động của phạm nhân theo quy định của luật này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động.
Kết quả rà soát của Chính phủ cho thấy, các quy định của dự thảo Nghị quyết đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Công ước 29 ILO về lao động cưỡng bức và Công ước 105 ILO về loại bỏ lao động cưỡng bức. Lao động của phạm nhân trong hay ngoài trại giam đều không hội tụ đủ các yếu tố như lao động ngoài xã hội về tính chất lao động và giá trị sản phẩm.
Vì vậy, quy định trả công lao động cho phạm nhân lao động ngoài trại giam theo pháp luật lao động là không có cơ sở. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và văn bản quy định chi tiết của Chính phủ, kết quả lao động của phạm nhân ngoài việc thanh toán một phần công lao động (tỷ lệ 12%) th́ toàn bộ phần kết quả lao động còn lại được sử dụng để nâng cao chế độ ăn, lập quỹ tái hòa nhập cộng đồng; đầu tư trở lại phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân. Như vậy, thực chất toàn bộ giá trị lao động thu được đều phục vụ cho phạm nhân.
Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an có hiệu lực từ 1.9, thực hiện trong 5 năm.
(Theo Viết Tuân/VnE)