Thâm canh dừa theo hướng hữu cơ
Với khoảng 3.000 ha trồng dừa, TX Hoài Nhơn là địa phương có diện tích dừa nhiều nhất tỉnh. Cây dừa mang lại lợi ích về nhiều mặt từ kinh tế cho đến môi trường, cảnh quan cho người dân địa phương. Tuy nhiên trong những năm gần đây, diện tích dừa ta ngày càng giảm dần dẫn đến nhiều hệ lụy cho những ngành nghề sử dụng nguyên liệu từ dừa.
Để giúp nông dân cải tạo vườn dừa ta, nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho nhiều ngành nghề khác, năm 2021 Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hoài Nhơn xây dựng mô hình thâm canh dừa theo hướng hữu cơ cho 7 hộ với vườn dừa có 500 cây tại phường Hoài Hảo.
Người dân chăm sóc, cải tạo cây dừa ta với sự hỗ trợ trực tiếp của cán bộ kỹ thuật. Ảnh: T.N
Qua thực hiện mô hình, các hộ đã biết cách ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên cây dừa phục hồi sinh trưởng, bộ rễ mới phát triển tốt, lá xanh tươi tốt, tỷ lệ đậu quả cao hơn, đồng thời chất lượng trái dừa cũng vượt trội so với trước đó. Năng suất dừa quả trong mô hình đạt bình quân 65 quả/cây/năm (cao hơn dừa ngoài mô hình 30 quả/cây/năm). Đây chính là cơ sở để Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này tại xã Hoài Châu trong năm 2022.
Tổng số cây dừa được cải tạo trong mô hình này là 500 cây, đa phần đã qua nhiều năm khai thác nhưng không được đầu tư chăm sóc, sản lượng giảm sút, chỉ còn khoảng 30 - 40 quả/cây/năm.
Ông Dương Minh Trưởng, 1 trong 15 hộ tham gia mô hình ở Hoài Châu, hiện có 35 cây dừa ta đã hơn 30 năm tuổi; sau nhiều năm khai thác nhưng gần như không chăm sóc nên sản lượng chỉ còn khoảng 30 quả/năm/cây. Cả vườn dừa chỉ cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng/năm. Khi tham gia mô hình, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ông Trưởng hiểu rõ hơn về nhu cầu dinh dưỡng, cách thức cải tạo và tăng sản lượng, chất lượng quả dừa.
Ông Phan Ngọc Trương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Châu, tâm đắc: Lâu nay, đối với cây dừa ta bà con cho rằng không cần chăm sóc, hoặc có thì cũng chỉ những lúc sâu bệnh phá nặng. Việc thiếu đầu tư chu đáo dẫn đến năng suất thấp, dừa thoái hóa dần. Một số hộ có xu hướng chuyển sang các cây trồng khác, nhưng được sự động viên của các cấp chính quyền, đoàn thể, sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hy vọng cây dừa sẽ phát triển trở lại và nhân rộng hơn trong thời gian sắp tới.
Qua kết quả thực tiễn mô hình tại phường Hoài Hảo trong năm 2021, cũng như gần 4 tháng thực hiện mô hình mới này tại xã Hoài Châu, người trồng dừa đang nhận thức được sự cần thiết của việc hỗ trợ dinh dưỡng cho cây dừa thông qua việc bón phân hợp lý, tưới nước cho dừa trong mùa khô, cùng với những biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh sẽ giúp cây phục hồi sinh trưởng, chống chịu tốt hơn với sâu bệnh gây hại; giảm tình trạng nứt trái, rụng trái non. Qua đó giúp cho hình thức và chất lượng quả dừa cũng cải thiện đáng kể.
Bà Võ Nguyễn Bích Thủy, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho hay, việc triển khai mô hình nhằm 2 mục tiêu: Khôi phục lại vườn dừa ta đã bị phá bỏ do nhiều hộ dân chuyển hướng sang trồng dừa xiêm; giúp bà con thâm canh cây dừa theo hướng hữu cơ, tạo ra những sản phẩm an toàn phù hợp với thị hiếu của thị trường.
THÀNH NGUYÊN