TX An Nhơn: Kênh TX 2 bị bồi lấp, gây ngập úng
Tuyến kênh mương TX 2 phục vụ tưới tiêu cho 3 xã: Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc (TX An Nhơn) nhưng không được nạo vét thường xuyên nên bị bồi lấp, tắc nghẽn dòng chảy. Mỗi khi mưa bão, hệ thống kênh thoát nước rất chậm, gây ngập úng kéo dài, ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Công Thành (ở thôn An Thành, xã Nhơn Lộc), phản ánh: Đoạn kênh từ thôn An Thành đến thôn Trường Cửu (xã Nhơn Lộc) là cuối nguồn, phục vụ tưới tiêu cho 60 ha lúa của nông dân 2 xã Nhơn Lộc và Nhơn Thọ. Thế nhưng, các năm gần đây kênh không được nạo vét, gia cố bờ, phát dọn bụi rậm nên cây cối, kể cả rác thải sinh hoạt của người dân đổ xuống kênh gây bồi lấp, dòng chảy thường xuyên tắc nghẽn. Sau khi gieo sạ, nước từ kênh tràn vào ruộng làm hư giống, phải sạ đi sạ lại nhiều lần, gây thiệt hại tài sản của nông dân.
Các cơ quan chức năng kiểm tra tuyến kênh thường xuyên bị sạt lở tại địa bàn xã Nhơn Lộc. Ảnh: V.L
Làm việc với phóng viên, ông Đoàn Thành Chung, Giám đốc HTXNN 1 Nhơn Lộc, cho hay: Có tình trạng ngập úng cục bộ tại khu vực đoạn cuối kênh qua địa bàn xã Nhơn Lộc; vào mùa mưa nước từ đầu nguồn đổ về quá lớn, trong khi bờ kênh chủ yếu bằng đất nên gây xói lở nhiều đoạn, chảy vào ruộng lúa của người dân gây ngập úng. Mặt khác, do chưa được phân công, phân cấp quản lý, nên không có đơn vị nào chịu trách nhiệm khi đoạn kênh này bị tắc nghẽn, phải sửa chữa, nạo vét, ngay cả Xí nghiệp Thủy lợi 4 cũng cho rằng đơn vị không quản lý.
“Chúng tôi mong muốn cấp có thẩm quyền phân công, phân cấp cho rõ ràng, từ đó đầu tư bền vững, phục vụ công tác tiêu thoát lũ và cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp”, ông Chung nói.
Theo ông Nguyễn Phước Nương, cán bộ kỹ thuật Xí nghiệp Thủy lợi 4 (Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định), tuyến kênh này hiện không có tên trong danh sách quản lý của đơn vị. Cuối năm 2021, Xí nghiệp có làm tờ trình gửi Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, đề nghị Công ty kiến nghị UBND tỉnh quyết định chính thức giao cho Xí nghiệp quản lý, từ đó mới có căn cứ để xin vốn đầu tư, sửa chữa, nạo vét.
“UBND tỉnh đang tổng hợp toàn bộ các tuyến kênh liên xã trên toàn tỉnh để giao cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý, làm cơ sở bố trí vốn để hàng năm đầu tư xây dựng, gia cố. Trong khi chờ UBND tỉnh quyết định, nếu đoạn nào bị tắc nghẽn, Công ty phân bổ một ít kinh phí, chúng tôi chỉ xử lý một đoạn ngắn thôi, chứ không thể nạo vét toàn tuyến được”, ông Nương cho hay.
VĂN LƯU