Ấn tượng lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc
Sáng 17.6, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XVI - năm 2022 tiếp tục diễn ra các hoạt động trình diễn lễ hội dân gian truyền thống và chấm điểm trại đẹp.
Đoàn Tây Sơn để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem qua lễ mừng cơm mới của đồng bào Bana. Già làng Đinh Văn Long (ở làng M6, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) cho biết: Đồng bào Bana ở địa phương lâu nay sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, làm đồ thủ công truyền thống. Từ phong tục, tập quán đó đã hình thành những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và các nghi lễ nghề nông. Lễ mừng cơm mới là một trong những lễ hội truyền thống thu hút đông đảo sự tham gia của toàn thể dân làng. Lễ thường diễn ra trong 3 ngày, với nhiều nghi thức độc đáo, nổi bật là các sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, thể hiện khát vọng tâm linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, buôn làng bình an, no ấm, hạnh phúc.
Diễn viên Đinh Ngắt (đoàn Tây Sơn) giới thiệu lễ mừng cơm mới của đồng bào Bana (huyện Tây Sơn).
Âm vang cồng chiêng với những nhịp điệu, thanh âm chậm rãi, sâu lắng được vang lên để mọi người vui ca, nhảy múa. Đây là hình ảnh được các nghệ nhân, diễn viên đoàn An Lão trình diễn ở lễ cúng mở kho lúa. Hằng năm, vào tháng 11 và 12 dương lịch, khi hạt lúa, hạt bắp đã được đem cất kỹ là lúc các gia đình đồng bào H’re làm lễ cúng mở kho lúa. Với mục đích xin thần kho, thần lúa đừng hoảng sợ, cầu mong thần lúa yên tâm ở lại với gia đình, giúp họ luôn no đủ, không phải thiếu đói, không phải ăn củ, ăn khoai…
Huyện An Lão mang đến không khí vui tươi trong Ngày hội với phần trình diễn tái hiện lễ cúng mở kho lúa.
Em Đinh Thị Thùy Linh, 15 tuổi (thôn 2, xã An Vinh, huyện An Lão), tham gia lễ cúng mở kho lúa, bộc bạch: “Em rất tự hào khi tham gia vào lễ hội và được giới thiệu đến công chúng những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Từ lễ hội, thế hệ trẻ như chúng em hiểu hơn, quý hơn về thành quả lao động của mình”.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT (Phó trưởng ban Ban tổ chức Ngày hội), lễ hội dân gian được các địa phương dàn dựng công phu, cô đọng, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa từng dân tộc; phát huy các yếu tố tích cực và loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay.
Sáu đoàn tham gia Ngày hội lần lượt giới thiệu trình tự nghi thức truyền thống gắn với tín ngưỡng dân gian, thu hút đông người đến xem, điển hình là: Lễ cúng mừng kho lúa của người H’re (huyện An Lão), lễ mừng cơm mới (huyện Tây Sơn), lễ cúng về nhà mới (huyện Vân Canh), lễ cầu may (huyện Hoài Ân)…
Cùng ngày, Ban tổ chức Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh đã tiến hành tham quan, chấm điểm trại đẹp.
Báo Bình Ðịnh xin giới thiệu một số hình ảnh trình diễn lễ hội dân gian của các đoàn:
Diễn tấu cồng chiêng, múa xoang trong lễ cầu may của đồng bào Bana huyện Hoài Ân.
Tái hiện lễ cúng về nhà mới của đồng bào Chăm H’roi huyện Vân Canh.
Đơn vị chủ nhà huyện Vĩnh Thạnh tái hiện lễ mừng thần lúa về làng của đồng bào Bana K’riêm, huyện Vĩnh Thạnh.
Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bana huyện Tây Sơn được tái hiện lại trong không gian nhà trại.
Huyện Phù Cát trình diễn lễ cúng mừng xây dựng nhà rông của đồng bào Bana (huyện Phù Cát).
Các nghệ nhân, diễn viên đoàn Vĩnh Thạnh hòa cùng nhịp chiêng, tiếng trống.
Các cô gái H’re của đoàn An Lão trong trang phục truyền thống vui cùng nhịp chày giã gạo.
Giao lưu, thưởng thức ché rượu cần là một trong những truyền thống của đồng bào Bana Tây Sơn mỗi khi có sự việc trọng đại.
Lễ cúng về nhà mới của đồng bào Chăm H’roi Vân Canh luôn tạo sự gần gũi, đoàn kết cộng đồng.
Quang cảnh lễ mừng thần lúa về làng của đồng bào Bana K’riêm huyện Vĩnh Thạnh.
Các chàng trai, cô gái H’re An Lão bên ché rượu cần.
Mọi người hòa cùng nhịp đập vui tươi trong lễ cúng mừng kho lúa của người H’re.
Mời nhau chén rượu trong lễ cúng mừng kho lúa của người H’re.
Lễ mừng cơm mới của đồng bào Bana huyện Tây Sơn.
TRỌNG LỢI - NGỌC NHUẬN