Mở lối cho nghề chế tác trầm Trung Lương
Khu phố Trung Lương ở phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) là vùng đất không chỉ nổi tiếng với bạt ngàn dừa xanh, bưởi ngọt mà còn là nơi sản sinh nhiều ngành nghề truyền thống quý giá lâu đời, như nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, chế biến dầu dừa, kim hoàn, chế tác trầm hương… Giờ đây, nhiều nghề chỉ còn trong hoài niệm nhưng riêng nghề chế tác và sản xuất các sản phẩm từ trầm hương vẫn được bà con gìn giữ và phát triển.
Ông Phan Văn Phi - Bí thư Đảng ủy, Trưởng khu phố Trung Lương, cho hay: Dù nghề chế tác trầm có lúc lên xuống nhưng chưa bao giờ mất, mà vẫn cứ bền bỉ. Hiện chỉ với 6 hộ còn theo nghề nhưng cũng đã tạo được uy tín cho nghề trầm Trung Lương - Bồng Sơn; nhiều người có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn nhờ nghề.
Thợ chế tác trầm đang sơ chế cây dó có trầm. Ảnh: D.B.S
Trong ngôi nhà khang trang nằm giữa vườn bưởi da xanh mát rượi, dắt tôi đến chỗ 7 sản phẩm trầm vừa chốt bán cho khách với giá khoảng 60 triệu đồng, anh Phan Ngọc Tuyền (50 tuổi, ở tổ 2, khu phố Trung Lương) cho biết: 7 sản phẩm này làm từ 3 cây dó tôi mua ở huyện Hoài Ân với giá hơn 15 triệu đồng, công thợ gần 10 triệu đồng, còn lại là phần lời của mình. Với nghề này, mức lãi hàng chục triệu đồng, thậm chí là vài chục với 1 cây trầm là hết sức bình thường, chưa kể đến thu nhập thêm từ các sản phẩm phụ như chuỗi hạt, nhẫn, bút, tượng nhỏ… Nhưng cái khó nhất là khả năng đánh giá chính xác giá trị của cây trầm, đánh giá trật là lỗ vốn liền.
Nguyên liệu sản xuất của các hộ chế tác trầm ở Trung Lương chủ yếu lấy từ các vườn dó trong tỉnh, phần nhiều là ở Hoài Ân, An Lão. Những cây dó có trầm, sau khi xoi, gạn, trầm miếng dùng để bán, phần còn lại phân loại để làm các sản phẩm phụ, còn lại sẽ đem xay thành bột làm hương trầm. Nói chung, toàn bộ nguyên liệu khi mua về đều có việc cả, không thứ gì bỏ phí. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Nam.
Nghề chế tác trầm tuy mang lại hiệu quả kinh tế khá nhưng việc sản xuất, kinh doanh đến nay vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự liên kết, hỗ trợ trong quảng bá, tiêu thụ nên chưa có cơ sở nào có nhãn hiệu mạnh, việc tiêu thụ phụ thuộc rất nhiều vào thương lái, mối quen.
Chính vì thế, chính quyền địa phương đã nghiên cứu, định hướng xây dựng thương hiệu làng nghề truyền thống, gia tăng giá trị các sản phẩm chế tác trầm ở địa phương. Ông Nguyễn Lương, Phó Chủ tịch UBND phường Bồng Sơn, cho biết: Để khuyến khích và tạo điều kiện tốt hơn cho các hộ làm nghề chế tác trầm, chúng tôi định hướng họ đầu tư nguồn lực, phát triển nghề theo hướng hợp chuẩn OCOP. Để tạo đà, chúng tôi phối hợp với Hội Nông dân TX Hoài Nhơn xây dựng dự án và tổ chức ra mắt tổ hội nghề chế tác trầm, cho 3 hộ vay với lãi suất ưu đãi 100 triệu đồng để đầu tư mua sắm máy móc thiết bị.
DIỆP BẢO SƯƠNG