Kiểm soát IUU - nhìn từ hoạt động tuyên truyền
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về phối hợp liên ngành trong thực hiện các giải pháp cấp bách liên quan tới tháo gỡ thẻ vàng IUU, bên cạnh hoạt động chuyên môn của ngành NN&PTNT, các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương cũng nỗ lực triển khai tuyên truyền chính sách, thực thi Luật Thủy sản 2017 và chống vi phạm IUU.
Sáng 17.6, Sở Ngoại vụ phối hợp với UBND huyện Phù Mỹ tổ chức hội nghị tuyên truyền một số văn bản pháp luật về biển, biên giới trên biển và các vấn đề liên quan đến biển, đảo cho ngư dân huyện Phù Mỹ. Đông đảo các chủ thuyền, thuyền trưởng, bạn thuyền, chủ hộ có con em làm nghề đi biển đã đến dự.
Mưa dầm để thấm sâu
Trò chuyện với nhiều ngư dân đến tham dự hội nghị về IUU và các vấn đề liên quan đến thực thi pháp luật trên biển, được biết, họ có nghe nhiều lần tuyên truyền về chống khai thác IUU. Song, để hiểu biết tường tận về vấn đề IUU và thực thi Luật Thủy sản 2017, các vấn đề liên quan tới biển, đảo thì họ không hình dung hết được. Các văn bản quy định pháp luật tuy có sẵn nhưng việc đọc hiểu hoàn toàn không dễ. Vì vậy nhiều bà con cho hay, được tiếp xúc trực tiếp, nghe giải thích cụ thể, chi tiết, tường tận các vấn đề gắn liền với biển, với hoạt động khai thác thủy sản sao cho hợp pháp… là rất hữu ích.
Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ An (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân các vấn đề liên quan tới Luật Biển Việt Nam. Ảnh: CÔNG CƯỜNG
Ông Võ Hùng Vy, ở thôn Tân Phụng 2, xã Mỹ Thọ, xác nhận: Nghe tuyên truyền, giải thích trực tiếp như thế này lợi nhiều lắm. Tôi nghe - hiểu rồi giải thích, truyền đạt lại cho con mình - thế hệ thứ 2 theo nghề biển, cho bà con lối xóm.
Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Minh, chủ tàu cá BĐ 92239- TS, ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An, cho hay: Quanh năm ở ngoài biển, ngư dân coi biển là nhà, là nơi mưu sinh nên ai cũng gắn bó, ai cũng biết phải bảo vệ vùng biển của mình. Không phải ngư dân nào cũng cố ý vi phạm, mà phần nhiều là vì chưa hiểu tới nơi tới chốn. Vì vậy những buổi tập huấn, đối thoại theo kiểu chỉ rõ làm như thế này là đúng, bà con đừng làm như thế kia mà thành sai, chúng tôi sẽ hiểu và nhớ lâu, biết cách thực hành. Về IUU tôi nghe cũng nhiều rồi, nhưng hôm nay được trò chuyện, nghe cán bộ ngành Thủy sản giải thích cụ thể về hậu quả lâu dài, áp lực về rút thẻ vàng IUU tắc nghẽn toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản, ảnh hưởng tới trực tiếp từng ngư dân, tôi thấm thía hơn việc phải làm đúng, phải hành nghề biển đúng với quy định.
Chung tay ngăn chặn vi phạm IUU
Theo UBND huyện Phù Mỹ, toàn huyện có 1.069 tàu cá hoạt động trên biển. Tháng 10.2017, khi Liên minh châu Âu rút thẻ vàng với thủy sản Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Phù Mỹ triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn vi phạm IUU.
Năm 2020, Phù Mỹ có 1 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, năm 2021 có 2 tàu cá. Đầu năm 2022 đến nay, Phù Mỹ chưa có trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, song lại có tới 12 lượt tàu cá bị cảnh báo di chuyển vào vùng cấm - đây là dấu hiệu cho thấy nguy cơ vi phạm IUU ở Phù Mỹ rất cao.
Sở Ngoại vụ tặng cờ Tổ quốc cho các ngư dân tại hội nghị. Ảnh: THU DỊU
Trước tình hình này, UBND huyện Phù Mỹ vừa triển khai các giải pháp ở địa phương: Giao cho chính quyền xã ven biển bám sát hoạt động của ngư dân, thực hiện đầy đủ công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm, đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện ngăn chặn vi phạm IUU. Đồng thời, huyện phối hợp với các đơn vị, sở, ban, ngành của tỉnh trong phối hợp triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: “Vi phạm của ngư dân bắt nguồn từ nhận thức và hiểu biết của họ về các quy định pháp luật trên biển chưa tới nơi tới chốn. Từ thực tế này và tâm tư nguyện vọng của ngư dân, sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phù hợp để giúp bà con thấu hiểu và hoạt động nghề cá có trách nhiệm hơn.
Ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Sở Ngoại vụ, cho biết: “Việc tổ chức tuyên truyền nhằm gia tăng phổ biến thông tin cho ngư dân liên quan hoạt động của họ trên biển, công tác bảo hộ ngư dân và tàu cá Việt Nam trong hoạt động trên biển. Trong bối cảnh mà EC rút thẻ vàng với thủy sản của Việt Nam, việc tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về biển, đảo là cách để ngư dân hiểu, thực thi đúng và gỡ thẻ vàng thủy sản”.
*Trong 2 ngày (17 và 20.6), Sở Ngoại vụ phối hợp với UBND huyện Phù Mỹ tổ chức hội nghị tuyên truyền cho ngư dân các vấn đề liên quan đến biển, đảo, với các nội dung: Hiệp định phân định ranh giới trên biển Việt Nam - Thái Lan; Hiệp định phân định thềm lục địa giữa hai nước Việt Nam - Indonesia; Hiệp định phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ; quy trình bảo hộ ngư dân Việt Nam. Một số nội dung chủ yếu về Luật Biển Việt Nam. Một số nội dung về Luật Thủy sản 2017 và kiểm soát IUU.
* “Cảnh báo thẻ vàng của EC ảnh hưởng dây chuyền tới toàn bộ hoạt động sản xuất của ngành Thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng tới sinh kế của ngư dân. Cho nên, cùng với công tác quản lý về mặt nhà nước, Chi cục Thủy sản tích cực phối hợp với các địa phương, sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh chú trọng vào tuyên truyền, lồng ghép cho ngư dân hiểu hơn”.
Ông TRẦN KIM DƯƠNG, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản
* “Hội nghị phổ biến một số nội dung chủ yếu về Luật Biển Việt Nam và Nghị định số 71/2015/ NĐ-CP ngày 3.9.2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đây là cách mà chúng tôi đồng hành hỗ trợ bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển” .
Thượng tá LÊ HỮU TỶ, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh
THU DỊU