Rộn ràng cuộc thi người đẹp văn hóa - thể thao miền núi
Tối 17.6, tại SVĐ huyện Vĩnh Thạnh đã diễn ra phần thi chung kết người đẹp văn hóa - thể thao miền núi. Hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội VHTT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XVI - năm 2022, thu hút đông đảo người dân đến xem.
12 thí sinh đại diện cho 6 đoàn tham gia Ngày hội, gồm: Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, Vân Canh, Tây Sơn, đã tự tin thể hiện phần trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, tài năng và ứng xử.
12 thí sinh đại diện 6 đơn vị tham gia phần thi chung kết người đẹp văn hóa - thể thao miền núi tối 17.6. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Không giấu được niềm vui khi thể hiện thành công phần thi của đơn vị chủ nhà Vĩnh Thạnh, thí sinh Lương Lê Vy (khu phố Klot Pok, thị trấn Vĩnh Thạnh), chia sẻ: “Lần đầu tiên được tham gia Ngày hội, lại đại diện cho huyện thi người đẹp, em cảm thấy tự hào, xen lẫn cảm giác hồi hộp. Nhờ các anh chị trong đoàn, người thân, bạn bè động viên, em đã hoàn thành tốt cả ba nội dung thi”.
Thí sinh Lương Lê Vy của đơn vị chủ nhà Vĩnh Thành nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Không chỉ trình diễn trang phục truyền thống, thể hiện bài múa đẹp mắt, Lương Lê Vy còn nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng từ khán giả khi trả lời đầy đủ, súc tích, bám sát chủ đề câu hỏi: “Vì sao phải bảo vệ rừng. Bạn hãy kể một việc làm hoặc sự chứng kiến của bạn về việc bảo vệ rừng”.
Cặp thí sinh Đinh Thị Hiểm và Xô Văn Kìu của đơn vị Hoài Ân cũng để lại nhiều ấn tượng cho khán giả và ban giám khảo, khi thể hiện phần thi tài năng với tiết mục múa “Hồn chiêng”. Với những động tác uyển chuyển, duyên dáng, phối hợp ăn ý trên nền nhạc hòa tấu cồng chiêng, cặp đôi thí sinh đã làm cho không khí đêm hội thêm phần sinh động.
Cặp thí sinh Đinh Thị Hiểm và Xô Văn Kìu của đơn vị Hoài Ân để lại nhiều ấn tượng cho khán giả và ban giám khảo qua tiết mục biểu diễn múa “Hồn chiêng”. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Thí sinh Đinh Thị Hiểm tâm tình: “Tiết mục múa trong phần thi tài năng do em dàn dựng, biên đạo, cùng tập với bạn Xô Văn Kìu để chuyển tải nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Bana Hoài Ân, gửi gắm thông điệp về sự chung thủy vợ chồng. Chúng em đã nỗ lực tập luyện, sau khi hoàn thành tốt phần thi này, được khán giả vỗ tay tán thưởng, chúng em thấy vui lắm!”.
Phần thi chung kết người đẹp văn hóa - thể thao miền núi là một trong những sự kiện văn hóa được tổ chức tại Ngày hội đã để lại nhiều ấn tượng đối với người dân, du khách đến xem. Tuy nhiên, ở phần thi ứng xử, nhiều thí sinh chưa trả lời tốt khiến khán giả, ban giám khảo tỏ ra tiếc nuối.
Nghệ nhân nhân dân Đinh Y Nam, nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh - thành viên ban giám khảo, bày tỏ: “Qua phần thi chung kết người đẹp miền núi, tôi thấy về cơ bản trang phục của các thí sinh đã thể hiện được bản sắc của từng dân tộc. Điều đó cho thấy, nền văn hóa truyền thống vẫn được thế hệ hôm nay giữ gìn, phát huy. Phần thi năng khiếu, đã có nhiều thí sinh thể hiện khá tốt, dù không phải là dân chuyên nghiệp. Tuy vậy, cũng còn một số thí sinh cần tiếp tục trau dồi kiến thức để hiểu sâu thêm các lĩnh vực, đặc biệt là về những vấn đề như tảo hôn, quản lý bảo vệ rừng, trang phục và văn hóa của các dân tộc để nâng cao hiểu biết của mình”.
Theo nghệ nhân nhân dân Đinh Y Nam, phần thi người đẹp văn hóa - thể thao miền núi tại Ngày hội tổ chức năm nay về cơ bản giống mọi năm, nhưng về mặt thể hiện phần thi, đa số các đơn vị tham gia vẫn chưa có những tiết mục biểu diễn mang nét sưu tầm, khai thác và bảo tồn giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc theo hướng mới mẻ.
Còn biên đạo múa Hoàng Việt, thành viên ban giám khảo, chia sẻ: “Nhìn chung, các đội thi đã tuyển chọn được những gương mặt đẹp, sáng sân khấu. Qua các phần thi, các em đã thể hiện được những nét riêng của bản thân trong bộ trang phục truyền thống, thể hiện tài năng. Tuy nhiên, các thí sinh cần chú trọng trau dồi kiến thứ để thể hiện nội dung ứng xử. Bởi qua phần trả lời của các thí sinh, sẽ góp phần truyền tải những thông điệp ban tổ chức muốn mang đến cho công chúng về những vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH, bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi nghĩ rằng, qua cuộc thi lần này, các em sẽ học hỏi nhiều hơn trong học tập và cuộc sống”.
NGỌC NHUẬN