Nguyễn Đinh Thiện Quang: Từ không thích Toán đến giải quốc gia Toán học
Năm 2022, rinh về giải nhất Olympic Toán học sinh viên, học sinh và giải học sinh giỏi Toán quốc gia, nhưng Nguyễn Đinh Thiện Quang (lớp 12 Toán, Trường THPT chuyên Chu Văn An, TX Hoài Nhơn) chia sẻ rất thật rằng từng… không thích Toán.
Có những lúc, dành cả buổi tối chỉ để giải lại bài toán
Olympic Toán sinh viên, học sinh toàn quốc năm 2022 trở lại sau 2 năm dừng do Covid-19, Nguyễn Đinh Thiện Quang là học sinh duy nhất của Bình Định chinh phục 1 trong 29 giải cao nhất kỳ thi với số điểm cao 42 ở hai môn số học và hình học. Tháng 3.2022, Quang cũng là 1 trong 4 học sinh của tỉnh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Toán, năm học 2021 - 2022.
* Chúc mừng Quang, chinh phục thành công hai giải thưởng lớn cấp quốc gia liên quan đến Toán học trong năm 2022, bạn cảm thấy như thế nào?
- (Cười). Cảm ơn chị. Kỳ thi Olympic Toán học toàn quốc dành cho học sinh và sinh viên là kỳ thi thường niên, do Hội Toán học Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức, khác hoàn toàn với các cuộc thi mà em từng tham gia. Nội dung đề thi vô cùng mới lạ, đòi hỏi học sinh phát huy khả năng sáng tạo, khám phá. Bước vào kỳ thi, em không đặt nặng thành tích mà chỉ muốn trải nghiệm, học thêm nhiều điều mới. Nên lúc biết đoạt giải nhất, em vỡ òa niềm vui bất ngờ.
Còn kỳ thi học sinh giỏi quốc gia có 7 bài thi, trải đều các phân môn của Toán, gồm đại số, số học, hình học, tổ hợp, giải tích; kết quả thứ hạng không cao như mục tiêu đặt ra, em cũng hơi tiếc.
Thiện Quang là thí sinh duy nhất của tỉnh đoạt giải cao nhất Olympic Toán học sinh viên, học sinh toàn quốc 2022. Ảnh: M.HOÀNG
* Để tham dự nhiều kỳ thi như vậy ở năm lớp 12, Quang mất rất nhiều thời gian và công sức?
- Em đã dành thời gian và công sức để tìm tòi, chắt lọc cái mới, cái hay. Đặc biệt đối với lớp 12, em phải cân đối hợp lý giữa dự thi học sinh giỏi và thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
* Năm lớp 10, 11, Quang cũng liên tiếp đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh vượt cấp môn Toán. Quang có thể chia sẻ kinh nghiệm học Toán của mình?
Nguyễn Đinh Thiện Quang là một trong những học trò có thành tích Toán rất tốt của nhà trường trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Đây là niềm vui, tự hào của nhà trường. Thành công của Quang càng minh chứng cho mục tiêu giáo dục của nhà trường là đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Nhà trường cũng rất chú trọng tổ chức nhiều sân chơi để học sinh trải nghiệm, phát triển trí tuệ như các CLB học thuật, CLB nghiên cứu khoa học, CLB STEM. Đồng thời, quan tâm giáo dục rèn luyện kỹ năng sống, thể chất để học sinh phát triển toàn diện.
Ông DƯƠNG TRỌNG ANH, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An
- Kinh nghiệm học Toán của em cũng không có gì lạ lắm! Trước khi học cái mới, em luôn phải nắm chắc cái cũ. Có những lúc, em phải dành cả buổi tối chỉ để giải lại bài toán vừa học. Có nhiều người nghĩ, làm điều này là phí thời gian, nhưng em thấy nó rất đáng giá, như vậy còn đỡ hơn những lúc ta thấy một bài toán quen quen mà ngồi làm hoài không được. Khi học phải luôn thoải mái, không nên quá áp lực, bởi học trong trạng thái mệt mỏi sẽ dẫn đến stress, từ đó sinh ra tâm lý “sợ học”, “chán học”.
Nghề giáo “cứu tâm hồn”
Thầy giáo Huỳnh Duy Thủy, tổ trưởng Toán - Tin Trường THPT chuyên Chu Văn An, phụ trách môn toán chuyên của Nguyễn Đinh Thiện Quang, đánh giá Quang ham hiểu biết, kiên trì, quyết tâm tìm tòi tự học. Đối diện với những bài toán hóc búa, mới lạ, Quang có khả năng định hướng, dự báo điểm xuất phát, biết cách phân tích, luận bàn chỉ ra mọi khía cạnh, khai thác mọi con đường tiếp cận vấn đề. Đặc biệt, Quang có những cách tiếp cận bài toán rất “lạ” dù còn trúc trắc, nhưng điều này rất quý trong Toán học.
* Gần đây, không ít diễn đàn bàn chuyện thi học sinh giỏi để làm gì...
- Với em, đây là sân chơi để thỏa sức khám phá Toán. Hồi học Trường tiểu học và THCS Hoài Xuân, có thể em học tốt môn Toán nhưng so với các bạn cùng lứa ở các xã khác thì bình thường thôi; cũng không đam mê Toán như bây giờ, chỉ biết thiên hướng học khoa học tự nhiên. Cho đến năm lớp 8, tình cờ thi đậu giải nhì học sinh giỏi huyện Hoài Nhơn - nay là TX Hoài Nhơn, được tiếp cận nhiều hơn, riết rồi “phải lòng” và mê Toán. Quyết tâm vào Trường THPT chuyên Chu Văn An cũng là để có điều kiện tiếp cận nhiều hơn, sâu hơn với Toán.
Em đến với kỳ thi học sinh giỏi Toán đơn giản để thỏa niềm đam mê được tìm hiểu sâu hơn, rộng hơn môn học này. Vào các đội tuyển, em được học rất nhiều, ngoài học thầy cô còn tìm tòi nhiều nguồn tài liệu, các website Toán bằng tiếng Anh, đặc biệt trang AOPS (cộng đồng Toán học thế giới) rất thú vị. Qua các kỳ thi, em cũng xác định rõ hơn định hướng nghề nghiệp của mình.
* Học sinh giỏi, lại là giỏi Toán thường đi du học, hoặc chọn trường đại học tốp đầu, còn Quang vì sao chọn nộp tuyển sinh vào ngành Sư phạm Toán, Trường ĐH Quy Nhơn?
- Ba năm học phổ thông Trường chuyên Chu Văn An, người có ảnh hưởng nhiều đến em là thầy Huỳnh Duy Thủy. Thầy đã tạo cho em niềm đam mê, ý chí, phong cách và sự nghiêm túc trong tìm tòi, nghiên cứu Toán. Đặc biệt, em rất thích những bài giảng Toán bằng tiếng Anh của thầy. Hơn nữa, em suy nghĩ nghề giáo rất đáng trân trọng. Nghề y là nghề có thể “cứu sống” một đứa trẻ, còn nghề giáo “cứu tâm hồn” một đứa trẻ. Đó chính là bước ngoặt định hướng cho em chọn ngành sư phạm Toán.
Quyết định chọn Trường ĐH Quy Nhơn vì đây là một trong ba trung tâm lớn về Toán trong cả nước, môi trường học tập không thua kém các trường tốp đầu ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Nguyễn Đinh Thiện Quang và thầy giáo Huỳnh Duy Thủy. Ảnh: M.HOÀNG
Học chuyên không có nghĩa là “mọt sách”
Quang không hề “mọt sách” như những gì mọi người vẫn thường nghĩ về các cô, cậu học trò học giỏi, trường chuyên. Bên cạnh thành tích học tập đáng nể, ngoài giờ học, Quang còn là cầu thủ của CLB bóng đá của trường, chơi bóng bàn và mê đọc sách trinh thám.
* Thời gian qua, có không ít ý kiến về việc học chuyên dẫn đến áp lực học quá lớn nên không cần duy trì mô hình trường chuyên. Là người “trong cuộc”, Quang có suy nghĩ gì?
- Ở trường chuyên có một lợi thế mà các trường THPT khác không có, đó chính là môi trường học tập, thầy cô giỏi, nhiệt huyết. Xung quanh đều là những học sinh giỏi từ nhiều nơi nên có thể trao đổi, chia sẻ phương pháp học tập, cùng nhau tiến bộ. Nhiều bạn học sinh lại nghĩ rằng, trong môi trường như thế lại có áp lực. Quá trình học tập có áp lực nhất định, nhưng điều đó mới giúp các bạn trưởng thành, bản lĩnh hơn.
Tuy nhiên, áp lực học tập không lớn như các bạn hình dung. Tại Trường chuyên Chu Văn An, các hoạt động CLB văn hóa và thể thao diễn ra rất sôi nổi. Nhà trường luôn chú trọng cân đối các mặt hoạt động, tạo cho học sinh môi trường học tập thoải mái.
Học chuyên cũng không có nghĩa là học như “mọt sách”. Như lớp 12 này, sáng học trên lớp, chiều và tối em dành 5 giờ tự học; vẫn còn thời gian chơi thể thao, đọc sách. Em rất thích đọc sách trinh thám, vừa có thể giải trí vừa có thể suy luận, xâu chuỗi vấn đề, thậm chí giải quyết các câu đố trong sách - điều đó rất thú vị!
* Cảm ơn Quang, chúc em tiếp tục gặt hái nhiều thành công!
MAI HOÀNG (Thực hiện)