Hạnh phúc khi được cho đi
Giúp người khó, khổ hơn mình chính là hạnh phúc. Cảm xúc đó khó tả thành lời. Họ chỉ biết rằng, mỗi lần cho đi, họ lại thấy đời mình thêm ý nghĩa…
Rảo bước vào thôn Thạnh Danh (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn), hỏi thăm “bà Tám Quang”, ai cũng biết người phụ nữ phúc hậu, nhiệt tình. Bà tên thật là Nguyễn Thị Thanh Quang (SN 1961), quanh năm suốt tháng gắn bó với việc đồng áng. Lam lũ là thế nhưng bà luôn tranh thủ thời gian để tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Đều đặn 2 lần/tuần, vào thứ Hai và thứ Năm, bà lại đến Bếp ăn tình thương ở TTYT thị xã để nấu và phát các suất ăn miễn phí cho bệnh nhân. Ngoài “đứng bếp”, bà còn sẵn sàng góp thêm nguyên liệu để mỗi suất ăn được đầy đủ dinh dưỡng hơn.
Bà Quang đang ôn lại bài cho “cậu trò cưng” Trung Hậu. Ảnh: D.L
Điều làm cho mọi người thêm ấn tượng và yêu quý bà là sự gần gũi, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn quanh mình. Khi thì món quà, gói bánh, khi là số tiền nho nhỏ bà dành dụm để gửi tặng chị hàng xóm đang đau ốm. Đó là chưa kể, bà còn học cách sử dụng mạng xã hội để “đưa lên sóng” các trường hợp khó khăn ở địa phương, giúp họ nhận nhiều sự giúp đỡ hơn, nhất là trẻ em.
Nhìn hai cậu bé Nguyễn Trung Hậu và Đỗ Anh Quân (đều SN 2010, học Trường Tiểu học Nhơn Hậu, phân hiệu Thạnh Danh) hồ hởi đạp xe về nhà sau buổi học thêm, ít ai biết, chỉ hai năm trước, cả Hậu và Quân đều là “học trò đưa đi đón về” của bà Quang. Cả hai đều có hoàn cảnh éo le: Mẹ Hậu vì TNGT nên giờ chỉ ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào bà nội tuổi đã cao của em; Quân sống với ông bà ngoại nhưng ông cũng bị bệnh nằm liệt giường, điều kiện gia đình khó khăn. Vì hiểu hoàn cảnh gia đình nên hai em không đòi hỏi gì, học cách tự làm mọi việc.
Chứng kiến hai trẻ hiểu chuyện như thế, bà Quang lại xót xa: “Nhìn chúng lủi thủi ôm cặp đi bộ đến trường trong cái nắng đổ lửa, tôi không đành lòng ngó lơ. Thế là tôi lấy xe, chở chúng đi học và đón về nhà trong 2 năm. Người ngoài thấy tôi đứng đợi trước cổng trường ngày qua ngày, lại bàn tán, thắc mắc: Không phải ruột thịt, sao phải chăm chút chúng kỹ thế?”.
Không chỉ tình nguyện đưa đón, bà Quang còn cùng chồng (là giáo viên Trường THCS Nhơn Hậu) ôn luyện kiến thức ngoài giờ cho Hậu và Quân. Bà gọi vui đó là “lớp học tình thương”, bởi ngoài tình thương, chẳng có lí do gì để gắn kết bốn người lại với nhau. “Bà Tám yêu thương chúng em lắm! Bà vừa theo sát việc học, vừa động viên tinh thần, thi thoảng lại thưởng quà để chúng em thêm động lực học hành. Chúng em kính trọng, quý mến và xem bà như người ruột thịt của mình vậy”, Hậu thủ thỉ.
Hạnh phúc có lúc được gói ghém trong sự thấu hiểu và trao đi mà không mong nhận lại. Cũng mang hy vọng được góp sức giúp người, chị Lê Thị Đào (SN 1974, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) đã cùng bạn bè nấu cháo tại nhà, phát cho người lao động nghèo từ hơn 6 năm trước. Dần dà, nhà của chị trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân địa phương, nhất là với những trường hợp khó khăn. Bởi vậy, không ai ngạc nhiên khi thấy đều đặn mỗi tháng, nhà chị đều “có khách” đến nhờ hỗ trợ.
Bên cạnh trẻ em, người cao tuổi là đối tượng được chị ưu tiên hơn cả. Chị hay để ý đến những cụ ông, cụ bà sức khỏe suy giảm nhưng vẫn phải lao động vì không có nơi nương tựa. Gần 6 năm trước, chị vô tình bắt gặp cụ Nguyễn Thị Mai (ở thị trấn Phú Phong) tuổi đã ngoài 60 nhưng vẫn dầm mưa dãi nắng bán chổi dạo.
“Cụ bằng tuổi bố mẹ mình, nên khi thấy cụ vất vả, tôi thấy thương vô cùng. Vậy nên, tôi thu xếp thời gian đến thăm, trò chuyện, gửi ít đồ ăn, thức uống để cụ phần nào cảm nhận được rằng bản thân luôn được quan tâm”, chị bày tỏ.
Tất cả những việc làm giản dị đó càng đáng trân trọng hơn khi ta biết đến hoàn cảnh của chị Đào. Chị chỉ là chủ của tiệm tạp hóa nhỏ trong xóm, tiền kiếm được đủ ăn, đủ sống và lo cho gia đình. Thế nhưng, chị không ngại dành dụm số tiền lời để mua quà, trao cho các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
“Chồng tôi là một người câm. Anh chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nhưng chưa bao giờ khuất phục. Trái lại, luôn lạc quan và truyền niềm tin tích cực ấy sang tôi. Bởi vậy, với mỗi lần trao đi, tôi luôn tâm niệm, đó là hành động lan tỏa hạnh phúc - một cảm xúc đáng quý mà ấm áp vô cùng”, chị Đào chia sẻ.
DƯƠNG LINH