Nương tựa và yêu thương
Thương cảm trước những trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, nhiều cá nhân, tổ chức đã trở thành “mẹ đỡ đầu”. Ngoài việc hỗ trợ chi phí hằng tháng, mẹ đỡ đầu còn quan tâm, đồng hành cùng trẻ, là chỗ dựa vững chắc, giúp các em được sống, học tập trong tình thương và sự chia sẻ.
Khi mái ấm không trọn vẹn
Nhìn người chị họ chơi đùa cùng bố, em Nguyễn Thị Thanh Hiền (SN 2012, ở thôn Ngọc Thạnh, xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn) thốt lên: “Có bố thật thích!”. Nhưng thấy mẹ rưng rưng nước mắt, em lại im lặng. Bố em đã qua đời từ nhiều năm trước. Không thể nuôi nổi 2 con, mẹ gửi anh trai cho bà ngoại, còn Hiền được ở cùng mẹ.
Mẹ Vân yêu thương Hiền như con gái ruột. Ảnh: D.L
Chị Nguyễn Thị Lợi, mẹ bé Hiền, tâm sự: “Đôi khi con bé ngẩn người nhìn cha con người ta quấn quýt, tôi biết, Hiền khao khát một mái ấm trọn vẹn. Thương con lắm, nhưng tôi chỉ có thể lo cái ăn, cái mặc cho con mà thôi…”.
Thế nhưng, điều kiện sức khỏe không cho phép chị Lợi lo chu toàn mọi thứ. Nhất là dịp năm học mới bắt đầu, chi phí sách vở, đồng phục, phí học thêm của con khiến chị lo lắng nhiều. Hiền 4 năm liền là học sinh giỏi, luôn chăm chỉ học và cố gắng vượt qua mặc cảm để đến trường như các bạn.
“Em biết mẹ đi làm rất vất vả để lo cho em ăn học. Nhưng càng lên lớp cao hơn, em sợ chi phí ngày càng nhiều, mẹ không kham nổi, em cũng sẽ không được đi học”, Hiền nghẹn ngào.
Để trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được phát triển toàn diện, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu”, kêu gọi các cá nhân, tổ chức cùng chung tay hỗ trợ các em với nhiều hình thức như nhận nuôi dưỡng, hỗ trợ chi phí theo tháng, trao tặng quà… Bình Định hiện có 212 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu.
Tương tự Hiền, em Nguyễn Duy Bảo (SN 2006, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) cũng không được sống trong mái ấm trọn vẹn. Gia đình Bảo là hộ nghèo. Biến cố ập đến khi trụ cột gia đình là bố của Bảo qua đời. Em phải học cách chăm sóc người mẹ bị tai biến và anh trai tâm thần. Họ hàng của em xót xa trước những biến cố mà em gặp phải nên đón Bảo và mẹ, anh trai về chăm sóc. Thế nhưng, chưa khi nào em thôi lo sợ một ngày nào đó, chỗ dựa ấy sẽ mất đi.
“Có những lúc thắc mắc về bài toán lạ hay đề văn khó, em chỉ ước được bố mẹ hướng dẫn. Nhưng khi nói ra, em biết, người thân sẽ chạnh lòng nên đành tự học và nhờ thầy cô, bạn bè giảng hộ”, Bảo tâm sự.
Hơi ấm từ người mẹ thứ hai
Thông qua sự kết nối của Hội LHPN TX An Nhơn, chị Lê Thị Bích Vân (SN 1982, ở phường Bình Định, TX An Nhơn) đã nhận đỡ đầu em Hiền từ tháng 9.2021. Ngoài việc hỗ trợ chi phí hằng tháng cùng các dịp lễ, chị thường xuyên dõi theo Hiền trong cuộc sống lẫn học tập, trở thành chỗ dựa vững chắc nhưng đầy dịu dàng, mềm mỏng.
Đến thăm con gái nuôi, chị “tay xách nách mang” túi quà gồm bánh kẹo, sữa, và chiếc buộc tóc nhỏ xinh. Nhớ lại lần gặp đầu của hai mẹ con, chị Vân ấn tượng với cô bé nhỏ nhắn nhưng thông minh, lém lỉnh. Khi biết hoàn cảnh của Hiền, chị Vân quyết định sẽ đỡ đầu đến khi em học đại học, vì “thương bé con, nhỏ xíu nhưng hiểu chuyện lại hiếu học, không nỡ bỏ mặc”.
Vừa buộc tóc cho Hiền, chị Vân vừa kể: “Tôi đang sắm sửa đồng phục đi học cho con thì nhớ đến Hiền, thế là ghé nhà thăm con gái, sẵn tiện mua ít quà và giúp chị Lợi chuẩn bị quần áo cho năm học sắp tới của bé. Tôi cũng muốn đón bé đi tập bơi với hai đứa nhỏ ở nhà. Anh chị em quây quần, người lớn chúng tôi nhìn cũng ấm lòng theo”.
Nghe mẹ Vân nói thế, Hiền cười tít mắt. Mỗi khi gặp mẹ, em vui lắm, vì mẹ luôn đến với những tin tốt lành. “Nhờ có mẹ Vân mà em không còn lo phải nghỉ học. Mẹ hay động viên bằng cách em học tốt thì sẽ có thưởng. Nhưng điều em thích nhất là đến nhà mẹ, chơi cùng anh chị. Ngay lúc đó, em nhận ra, mình hạnh phúc nhường nào khi có đến hai người mẹ, hai gia đình”, Hiền cười nói.
Còn Bảo, em được Hội LHPN phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) nhận đỡ đầu. Chị Nguyễn Thị Sáu, Chủ tịch Hội LHPN phường là người thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện với em. Cậu bé hướng nội, ít khi tâm sự với ai, lại xem “cô Sáu hội phụ nữ” là người thân. Em kể: “Cô Sáu kiên nhẫn hỏi han, đợi em dần mở lòng rồi quan tâm từ chuyện bài vở, bạn bè đến sinh hoạt. Cô còn lo em bị căng thẳng nên làm cầu nối, giúp em quen được nhiều anh chị, bạn bè đồng trang lứa. Nhờ đó, em được chuyện trò nhiều hơn, tâm trạng cũng không còn nặng nề như trước”.
Nhìn Bảo cười đùa cùng nhóm bạn, chị Sáu xúc động: “Trước hoàn cảnh gia đình như thế, rất khó để Bảo được sống đúng với tâm lý lứa tuổi. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cùng người thân tạo cho cháu cảm giác sống trong tình yêu thương, quan tâm hết mực”.
DƯƠNG LINH