KỶ NIỆM 97 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21.6.1925 - 21.6.2022)
Giữ “bút sắc, tâm sáng” giữa thời cạnh tranh thông tin gay gắt
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo: “Người làm báo cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc!”. Lời dặn ấy càng ý nghĩa trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt giữa các cơ quan báo chí, truyền thông, cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay.
Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Đỗ Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, đã có cuộc trao đổi cởi mở với phóng viên Báo Bình Định xung quanh chủ đề này.
Không thể né tránh!
● Thưa ông, rõ ràng là cuộc cạnh tranh thông tin đang ngày càng gay gắt, khốc liệt…
- Đúng vậy. Sự phát triển như vũ bão của internet, công nghệ hiện đại đã, đang và sẽ chi phối mạnh mẽ hoạt động truyền thông, đòi hỏi người làm báo phải nhanh nhạy bắt kịp tốc độ thông tin lan truyền. Cạnh tranh thông tin ngày nay không còn là cuộc đua báo tuần, báo ngày, bản tin phát hành theo giờ cố định, mà tính bằng từng phút, từng giây, khi bạn đọc liên tục bấm nút F5 (refresh) để cập nhật thông tin mới nhất.
Có thể thấy, khi một tòa soạn đưa tin, bài lên báo mạng, nếu thông tin thật sự “nóng”, nhiều người chú ý, chỉ vài phút sau đã lan tỏa thành hàng triệu bản sao trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội...
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đỗ Nguyên Hùng (thứ hai từ phải sang) trao thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cho các nhà báo. Ảnh: N.NHUẬN
Các loại hình, phương thức truyền thông mới xuất hiện, cùng sự đa dạng kênh truyền thông trong nước và thế giới đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt không chỉ giữa các tờ báo, mà còn giữa các ấn phẩm báo chí và tài khoản mạng xã hội, báo chí và các kênh thông tin (chính thống và không chính thống) khác.
Nhà báo không được và không thể né tránh thực tế đó.
Vượt qua những lằn ranh mong manh
● Nhanh nhất, sớm nhất và chính xác luôn là yêu cầu và mục đích tối thượng của một sản phẩm báo chí, nhất là trên không gian mạng. Tuy nhiên, “nhanh nhảu” ắt dễ dẫn đến “đoảng”, với những cơ quan báo chí chính thống, càng hết sức tránh. Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Trong bối cảnh giá trị của một bản tin nhiều khi được tính và quy ra nhuận bút bằng số lượt “view”, “like”, “share”, đôi khi người làm báo sẽ bị cuốn theo cuộc đua thông tin với các tài khoản mạng xã hội. Từ đó, quên mất yêu cầu kiểm chứng độ chính xác của thông tin.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển quá nhanh như hiện nay, tin giả, thông tin sai sự thật rất nhiều. Một số cơ quan báo chí chính thống cũng từng phát đi những bản tin sai sự thật. Bài học về những “cây chổi quét rau”, “ăn bưởi gây ung thư”… vẫn luôn nhắc nhở từng người làm báo phải hết sức tỉnh táo, luôn tôn trọng sự thật khách quan.
Các phóng viên phỏng vấn PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại lễ ký kết hợp tác thực hiện chiến lược “Du lịch Quy Nhơn - Tầm nhìn châu Á” diễn ra tại TP Quy Nhơn tháng 1.2022. Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Phải khẳng định rõ: Với vai trò định hướng dư luận xã hội, nếu không tỉnh táo, không làm tròn trách nhiệm, báo chí sẽ dễ chạy theo tin giả, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tờ báo, suy giảm niềm tin trong nhân dân. Nhiều tờ báo, hãng tin lớn trong và ngoài nước đã đưa ra quy định về cách thức nhà báo sử dụng mạng xã hội. Bởi, đã có tình trạng nhà báo viết báo chuẩn xác, nhưng thông tin trên tài khoản cá nhân lại mang tính xuyên tạc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Không biết rõ, không hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết cũng chớ nói, chớ viết càn”. Bác còn căn dặn các nhà báo: “Ngòi bút các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”.
Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin hiện nay, để “phò chính, trừ tà”, người làm báo cần một cái đầu lạnh cùng một trái tim nóng, không bước qua lằn ranh mong manh giữa đạo đức và sự cám dỗ của vật chất, nhất là khi phản ánh các sai phạm, tiêu cực. Cùng một sự kiện, vấn đề, nhưng với tài năng, bản lĩnh, quan điểm khác nhau sẽ tạo ra những sản phẩm báo chí khác nhau qua cách lựa chọn thông tin, cách thể hiện khác nhau.
Tự làm mới mình
● Hiểu được xu thế, ta mới có tâm thế để hòa nhập hiệu quả. Theo ông, từng cơ quan báo chí và người làm báo cần chú trọng điều gì để giữ được “bút sắc, tâm sáng” giữa cuộc cạnh tranh thông tin?
- Thời cạnh tranh thông tin, báo chí phải đáp ứng tính thời sự, nhưng không đánh mất tính chính xác, tính định hướng. Khai thác thông tin từ nhiều kênh khác nhau, người làm báo phải thận trọng, không được bỏ qua khâu kiểm định, xác tín. Với sự bùng nổ của internet, cùng hàng loạt trang thông tin tổng hợp, mạng xã hội, một bản tin sai sự thật lan đi rất nhanh, để lại hậu quả nặng nề, việc đính chính nhiều khi không mấy ý nghĩa.
Làm báo ngày nay không nhiều hiểm nguy như thời chiến. Tuy nhiên, tác nghiệp trong thời bùng nổ thông tin, phải làm việc với cường độ cao, căng thẳng, đòi hỏi người làm báo phải giỏi nghề, tỉnh táo, tâm huyết với công việc. Mỗi người phải trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng thành thạo công nghệ hiện đại; đây là một trong những điều kiện quan trọng để các phóng viên tự làm mới chính mình, “chạy đua” trên mặt trận thông tin. Đồng thời, phải trang bị kiến thức rộng và sâu, đánh giá mức độ thông tin ngay từ ban đầu để có nguồn tin chuẩn xác hơn. Mỗi người làm báo phải thực hiện nghiêm 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Nguồn: BTV
Với các cơ quan báo chí, yêu cầu quan trọng là luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật nghiệp vụ báo chí hiện đại, nâng cao bản lĩnh chính trị cho biên tập viên, phóng viên. Trên hết, phải xác lập hệ giá trị của mình và tích cực giữ gìn, phát huy. Thời gian qua, một số cơ quan báo chí rất chú trọng đến yêu cầu này, như Báo Bình Định tích cực xây dựng và giữ gìn giá trị cốt lõi “Chính thống - Tin cậy- Nhân văn”.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)