Nỗ lực toàn diện để chăm sóc sức khỏe đồng bào miền núi
Ở các huyện miền núi trong tỉnh, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ngày càng tốt hơn. Không chỉ nâng cao chất lượng điều trị trực tiếp, để kết quả chăm sóc sức khỏe nhân dân bền vững, ổn định, ngành Y tế ở các địa phương này còn nỗ lực đầu tư đào tạo, phát triển nhân lực; tập trung làm tốt công tác y tế dự phòng.
Trong đại dịch Covid-19, y tế cơ sở, trong đó có hệ thống y tế ở các huyện miền núi, dù nhân lực mỏng, địa bàn không thuận lợi, nhưng đã cùng chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ để có thể khoanh vùng dập dịch. Lúc ca bệnh tăng nhanh, dù cơ sở vật chất không thể bằng các huyện đồng bằng nhưng với sự hỗ trợ của ngành Y tế, các huyện miền núi vẫn nỗ lực ngày đêm, vận dụng triệt để các trang thiết bị, cơ sở vật chất để có thể đảm bảo công tác điều trị, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân.
Bác sĩ TTYT huyện Vân Canh thăm khám cho bệnh nhân nội trú. Ảnh Đ.THẢO
Bác sĩ Lang Đình Bính, Giám đốc TTYT huyện Vân Canh, chia sẻ: Để đảm bảo an toàn phòng dịch, khi đó chúng tôi cũng đã mạnh dạn tổ chức điều trị tại TTYT, sau đó là điều trị tập trung tại các cơ sở công cộng và phân chia đội ngũ y tế chăm sóc sức khỏe cho những người cách ly, điều trị tại nhà. Nhân lực mỏng nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Ngoài công tác phòng, chống dịch Covid-19, các công tác khác của mảng y tế dự phòng cũng được đảm bảo. Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 16.6, huyện Vân Canh ghi nhận 33 ca mắc sốt xuất huyết, Vĩnh Thạnh 4 ca, An Lão 1 ca. Đối với bệnh tay chân miệng, Vân Canh 3 ca, Vĩnh Thạnh 3 ca; chưa ghi nhận ca mắc sốt rét. Các địa phương đã kịp thời khống chế khi mới phát hiện ca bệnh.
Theo bác sĩ Phan Hữu Nhơn, Phó Giám đốc TTYT huyện An Lão, năm 2021, ở địa phương này, không ghi nhận ca mắc bệnh sốt rét, sốt rét ác tính. Công tác phòng, chống một số bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường...) được triển khai thực hiện có hiệu quả. Số người bệnh tăng huyết áp được quản lý trong năm là 1.508 người, giảm 51 người so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số bệnh nhân đái tháo đường hiện nay được quản lý tại trạm y tế xã, thị trấn là 46 người.
Riêng về hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho nhân viên, cách đây 5 năm (năm 2017), cán bộ y tế có trình độ đại học và sau đại học ở TTYT các huyện miền núi chiếm tỷ lệ khá thấp - chỉ khoảng 20%. Đến nay nhờ chú trọng công tác đào tạo từ tuyến huyện đến xã, rải đều từ bậc trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học, đại học lên chuyên khoa 1 để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, con số trên đã lên mức khoảng 50%.
Được biết 5 năm tới, TTYT huyện Vân Canh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ, cụ thể năm nay sắp xếp cho 1 bác sĩ đi học chuyên khoa 1 sản, sang năm 2023 cử tiếp 1 bác sĩ đi học chuyên khoa 1 ngoại và 1 bác sĩ đi học chẩn đoán hình ảnh.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc TTYT huyện Vân Canh, vui mừng chia sẻ: Mấy năm gần đây tỉnh rất quan tâm Vân Canh, vừa rồi đã đầu tư cho chúng tôi 1 máy xét nghiệm sinh hóa. Giờ thì hầu hết các xét nghiệm sinh hóa chúng tôi đều tự làm. Trung tâm cũng đang đề nghị tỉnh đầu tư 1 máy X-quang kỹ thuật số, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên bị chậm lại, có thể cuối năm nay Trung tâm sẽ được cấp. Trước đó, năm 2020, TTYT được đầu tư 1 máy siêu âm màu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được cấp một thiết bị điều trị như máy tạo oxy, máy truyền dịch, máy thở... Nhìn chung về máy móc trang thiết bị ở Trung tâm khá ổn. Để tránh lãng phí, giữa năng lực và trang thiết bị phải có sự tương thích, chúng tôi cố gắng cho khâu đào tạo đi trước một bước, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực để sử dụng và phát huy tối đa công năng của các trang thiết bị được cấp.
ÐỖ THẢO