Chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn: Tăng thu nhập cho nông dân, đa dạng cây trồng cho địa phương
Vụ Ðông Xuân 2021 - 2022, ngành NN&PTNT tỉnh triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn, mang lại hiệu quả kinh tế cao; góp phần làm đa dạng cây trồng, tìm ra giống cây phù hợp với thế mạnh của từng địa phương.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, các địa phương tập trung chỉ đạo chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa 620 ha, đạt 164,9% so với kế hoạch; chuyển đổi cây trồng trên đất trồng mì hơn 1.317 ha. Các mô hình chuyển từ lúa, mì kém hiệu quả sang cây trồng cạn như bắp, đậu phụng, mè… giúp tăng thu nhập cho nông dân từ 4 - 23 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nhiều mô hình chuyển đổi từ đất lúa, đất trồng mì kém hiệu quả qua thâm canh cây đậu phụng kết hợp hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm, thâm canh cây bắp áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM giúp nông dân chuyển hướng sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao tới 4 - 7 lần so với trước đó.
Mô hình thâm canh cây đậu phụng gắn chuỗi liên kết ở xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh) vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đạt năng suất cao. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông tỉnh
Việc xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ mang lại hiệu quả cho nông dân tham gia mà còn giúp địa phương tìm kiếm được cây trồng phù hợp, thực hiện đa dạng hóa cây trồng. Từ thực tế này, Sở NN&PTNT giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn phù hợp; ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, lan tỏa cho người dân trong và ngoài mô hình thực hiện.
Nói về hiệu quả của các mô hình chuyển đổi - các mô hình về đậu phụng và bắp là minh chứng rõ nhất. Chẳng hạn với cây đậu phụng, đến nay toàn tỉnh có hơn 2.200 ha tập trung ở các huyện Phù Cát, Tây Sơn, Phù Mỹ… và gần đây là vùng Vĩnh Thạnh. Theo quy hoạch trồng trọt của tỉnh, tới năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 10.000 ha đậu phụng thâm canh phục vụ sản xuất hàng hóa. Dựa trên quy hoạch đó, Trung tâm Khuyến nông triển khai các mô hình điểm về thâm canh đậu phụng ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, nâng cao năng suất. Theo đó, trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Trung tâm Khuyến nông phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh triển khai thí điểm mô hình 3 ha thâm canh đậu phụng gắn với liên kết chuỗi áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm ở xã Vĩnh Hòa/21 hộ tham gia mô hình. Với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, các hộ tham gia mô hình áp dụng thành công và tăng năng suất cho cây đậu phụng, thu nhập tăng hơn so với ngoài mô hình. Từ mô hình vụ Đông Xuân thành công, vụ Hè Thu năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục phối hợp triển khai thêm 2 ha ở xã Vĩnh Quang để nhân rộng trong các vụ tới.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, phân tích: Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mục đích tìm kiếm các cây trồng có năng suất cao, phù hợp với từng địa phương. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu như hiện nay, việc khảo nghiệm các mô hình giống mới, cây trồng mới để đảm bảo yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng là rất cần thiết. Ngành NN&PTNT không chỉ chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình mà căn cứ vào những thay đổi hiện nay, Trung tâm lồng ghép vào những kiến thức, kỹ năng giúp nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu, tuân thủ các khuyến cáo trong sản xuất để kéo giảm thiệt hại.
Đến nay, toàn tỉnh thực hiện gieo trồng cây trồng cạn vụ Hè Thu 2022 gồm bắp 1.874 ha, đậu phụng 1.198 ha, rau các loại 3.287 ha, đậu các loại 414 ha, cây mè 1.743 ha; về cơ bản tiến độ gieo trồng cây trồng cạn đảm bảo kế hoạch đề ra. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cùng với các mô hình chuyển giao kỹ thuật chăm sóc từ Trung tâm Khuyến nông, phía Chi cục tập trung vào hướng dẫn người dân theo dõi sinh trưởng của cây trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây để đảm bảo cây phát triển tốt.
THU DỊU