Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, người dân chủ quan trì hoãn tiêm mũi 4
Dịch Covid -19 được kiểm soát tốt, số ca mắc mới thấp và đặc biệt rất ít trường hợp tử vong... đã tạo nên tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân không muốn tiêm mũi vắc xin nhắc lại. Tâm lý này cũng xuất hiện ở nhóm phụ huynh có con từ 5 tới dưới 12 tuổi đang được tiêm vắc xin.
Tại Quảng Ninh - một trong những địa phương hoàn thành sớm việc tiêm vắc xin với tỷ lệ bao phủ cao nhất ở cả 3 mũi tiêm và ở tất cả các nhóm đối tượng đã minh chứng rất rõ điều này. Số ca tử vong do mắc Covid-19 ở Quảng Ninh ở mức thấp nhất cả nước, giảm thiểu số ca chuyển nặng và tử vong, giảm sâu các ca mắc mới, tạo thuận lợi để địa phương phát triển KT-XH, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trong suốt 2 năm dịch bệnh bùng phát.
Quảng Ninh - địa phương đầu tiên của cả nước triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi.
Dù vậy, khoảng 2 tháng qua - khi cả nước bước vào khám sàng lọc thực hiện tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5 tới dưới 12 tuổi, tại Quảng Ninh và nhiều địa phương có những trường hợp trẻ phải trì hoãn tiêm do đang điều trị các bệnh nền hoặc do mới mắc Covid-19. Điều này dẫn tới tiến độ tiêm vắc xin mũi 1 cho trẻ bị chậm và tâm lý băn khoăn, lo lắng như chia sẻ của một phụ huynh ở xã Tân Phong, huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương: "Tôi khá băn khoăn việc tiêm vắc xin cho con từ 5 tuổi trở lên bởi con tôi đã mắc Covid-19 và hoàn toàn khỏe mạnh. Vì vậy để lựa chọn thì tôi hoàn toàn đồng ý không cho con tiêm".
Tâm lý e ngại tiêm mũi vắc xin nhắc lại cũng xuất hiện ở nhóm người lớn tuổi sau khi họ mắc Covid -19.
“Nhiều người chủ quan và lăn tăn không muốn tiêm mũi 4. Vì họ thấy tiêm các mũi 2, 3 là đau người và mệt mỏi và nhất là thấy hiện nay dịch bệnh không diễn biến phức tạp. Đây là tâm lý chủ quan, không tốt cho công tác phòng chống dịch bệnh bởi các biến chủng Omicron vẫn đang diễn biến khó lường, nếu phức tạp trở lại rất vất vả cho ngành y tế và cả cộng đồng", ông Trần Văn Sung, phường Tứ Minh - TP Hải Dương cho biết.
Ở mũi tiêm thứ 4, mũi nhắc lại các công nhân, người lao động ở các KCN là đối tượng được ưu tiên tiêm đầu tiên.
Tại các địa phương như Cao Bằng, Bắc Kạn đang ở giai đoạn nước rút tiêm mũi 3 và bắt đầu chiến dịch tiêm mũi vắc xin thứ 4, trước mắt tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao như những người suy giảm miễn dịch và có bệnh nền...
Ông Nguyễn Tiến Tôn, Giám đốc CDC Bắc Kạn cho biết, địa phương đang lên kế hoạch phân bổ và triển khai tiêm mũi 4 với quyết tâm có vắc xin đến đâu, tiêm đến đó.
"Chúng tôi đang chủ động phối hợp với các huyện, thành phố rà soát các đối tượng đăng ký tiêm, để tổng hợp, dự trù cho viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp vắc xin để không bị dôi dư hoặc tránh lãng phí. Hiện hơn 10.000 vắc xin mới được nhận, chúng tôi sẽ phân bổ cho 8 huyện, thành phố để tiêm trước ngày 30.6", ông Nguyễn Tiến Tôn thông tin.
Tại các địa phương như Cao Bằng, Bắc Kạn đang bắt đầu chiến dịch tiêm mũi vắc xin thứ 4.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 đúng lịch, đủ liều rất quan trọng để bảo đảm miễn dịch cộng đồng, bảo vệ tốt nhất cho con người trước dịch bệnh. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai mũi tiêm 4 vắc xin phòng Covid-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới.
"Kết quả bao phủ vắc xin của Việt Nam rất ấn tượng, hơn 96% dân số của Việt Nam đã được tiêm chủng. Australia cảm thấy rất hãnh diện và vui mừng vì được đóng góp phần nào vào kết quả đó. Tôi cũng có 2 con và hiện giờ các cháu đã có thể quay trở lại trường học tại Hà Nội và tôi biết rằng vắc xin có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Nhờ có vắc xin mà chúng ta đã có những gia đình, nhà trường và cộng đồng an toàn", ông Mark Tattersall, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam - đất nước đã hỗ trợ Việt Nam hơn chục triệu liều vắc xin cho cả người lớn và trẻ em chia sẻ.
Thực tế qua các mùa dịch bùng phát đã khẳng định vai trò không thể thiếu của vắc xin. Trong điều kiện một số quốc gia đã ghi nhận những biến thể mới của Omicron, việc chậm trễ tiêm liều vắc xin nhắc lại có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, tăng khả năng trở nặng khi nhiễm bệnh và hơn thế nữa là làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo Vũ Miền (VOV)