TIẾN ĐẾN THANH TOÁN BỆNH LAO NĂM 2030:
Xét nghiệm để phát hiện,điều trị sớm, tránh lây lan
Bệnh lao là một trong những căn bệnh gây chết nhiều người hàng đầu thế giới. Để chủ động phát hiện bệnh, tránh lây lan, mấy năm gần đây, ngành Y tế liên tục đẩy mạnh hoạt động khám, phát hiện bệnh nhân lao trong cộng đồng, hướng đến mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030.
Theo WHO, mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc bệnh. Với những nỗ lực của toàn cầu, từ năm 2000, khoảng 66 triệu người bị bệnh lao đã được chữa khỏi. Việt Nam hiện vẫn là 1 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hằng năm, cả nước phát hiện và điều trị 100 nghìn người mắc lao, trong đó, 70% người mắc lao đang ở độ tuổi lao động. Đặc biệt, số bệnh nhân được phát hiện chỉ chiếm 60% bệnh nhân lao trong cộng đồng.
Tại Bình Định, từ năm 2010, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định là 1 trong 5 đơn vị đầu tiên trong cả nước được chọn để tổ chức điều trị lao kháng thuốc. Nhờ vậy, trong vòng 5 năm gần đây, số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc chỉ còn khoảng 20 bệnh nhân/toàn tỉnh/năm, đây là tỷ lệ rất thấp nếu biết mỗi năm ta ghi nhận hơn 1.000 ca bệnh lao.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định là 1 trong 5 đơn vị đầu tiên trong cả nước điều trị lao kháng thuốc. Ảnh: Đ. THẢO
Bác sĩ Châu Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, cho biết: Ngày trước, những bệnh nhân lao mạn tính, bệnh lao bỏ trị… mới xét nghiệm lao kháng thuốc, còn bây giờ thực hiện xét nghiệm đại trà, tức là bệnh nhân mới cũng được xét nghiệm ngay. Chúng tôi xét nghiệm lao kháng thuốc tất cả các nhóm đối tượng nghi lao nhưng kết quả tỷ lệ mắc lao kháng thuốc vẫn rất thấp so với các tỉnh. Đây là tín hiệu đáng mừng vì chúng ta đã dần kiểm soát được lao kháng thuốc. Nếu chúng ta khống chế được số bệnh nhân này gần như sẽ kiểm soát được tỷ lệ tử vong do lao kháng thuốc. Số người bị lây nhiễm lao kháng thuốc sẽ ít xuống và bệnh nhân mắc lao kháng thuốc chủ yếu do hiện tượng đột biến kháng thuốc trong quá trình điều trị mà thôi.
Theo các chuyên gia y tế, nếu có các triệu chứng như: Ho kéo dài trên 3 tuần không dứt dù đã sử dụng kháng sinh; ho ra máu; khạc đờm kéo dài hơn 3 tuần không dứt dù đã sử dụng kháng sinh; khó thở; đau tức ngực; sốt thường xuất hiện vào chiều muộn; chán ăn, sút cân, người mệt mỏi nên đi khám, tầm soát bệnh lao để được phát hiện, điều trị sớm, giảm di chứng.
Tại Bình Định, hoạt động phòng, chống lao đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao hằng năm đạt trên 90%. Với các trường hợp điều trị lao, nhân viên y tế sẽ cấp thuốc 7 ngày/lần để theo sát quá trình sử dụng thuốc của người dân, tránh bỏ thuốc. Ông N.V.N (ở huyện Tuy Phước), người đã được điều trị khỏi bệnh lao theo phác đồ 6 tháng, cho biết: Khi phát hiện bệnh, tôi làm theo chỉ dẫn của bác sĩ và tuyệt đối không bỏ thuốc. Các bác sĩ cũng thường xuyên nhắc nhở. Đến nay, sức khỏe đã tạm ổn, tôi có thể sinh hoạt bình thường trở lại.
Trong 10 năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân mắc bệnh lao tại Bình Định liên tục giảm. Có thể nói, đây là một thành tựu rất lớn không chỉ của ngành Y tế mà còn của cả tỉnh.Trước đó, mỗi năm tỉnh ta phát hiện khoảng 3.000 bệnh nhân/năm. Vài năm gần đây, con số này chỉ vào khoảng 1.000. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 230 ca mắc mới, giảm 209 ca so với cùng kỳ năm 2021 (439 ca).
Để chủ động kiểm soát lao, mỗi TTYT tuyến huyện đều có tổ lao; mỗi xã, phường, thị trấn đều có cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác phòng, chống lao. Để thực hiện thành công mục tiêu “thanh toán bệnh lao vào năm 2030”, bác sĩ Châu Văn Tuấn cho rằng: Chúng ta phải khắc phục những khó khăn, tập trung khám phát hiện hết bệnh nhân lao trong cộng đồng để tránh gây lây lan và sớm điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất. Hiện chúng tôi tập trung cho chiến lược 2X - khám phát hiện bệnh lao tại cộng đồng. Chiến lược 2X có nghĩa là sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert (một công cụ phát hiện vi khuẩn lao/lao kháng thuốc nhanh chóng) để chẩn đoán lao hoạt động. Chiến lược 2X có thể phát hiện sớm ca bệnh, đưa vào điều trị và cắt đứt nguồn lây của bệnh lao.
ĐỖ THẢO