Nước rút luyện đề, rèn “chiến thuật” làm bài
Ðể đạt điểm số tối đa theo năng lực tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, các thủ khoa khối cấp tỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 và thủ khoa đại học 2021 khuyên thí sinh tận dụng giai đoạn nước rút để luyện đề và tập dượt thành thạo “chiến thuật” làm bài thi.
Học sinh lớp 12 ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: M.H
Báo Bình Định ghi nhận chia sẻ của thủ khoa Trường ĐH Quy Nhơn năm 2021 Hà Thanh Bắc, các thủ khoa khối cấp tỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 Lê Minh Thành (khối B), Nguyễn Duy Khang (khối A1) - đều là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, và Trần Quang Thành (khối C) - cựu học sinh Trường THPT số 1 Phù Cát.
Rèn tư duy viết bài
Trần Quang Thành cho rằng thời điểm này là lúc các thí sinh bước vào giai đoạn luyện đề, do đó cần nắm thật vững kiến thức nền tảng giải quyết những câu hỏi yêu cầu mức độ tư duy cao. Hiện đang theo học ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Thành tư vấn: Đối với môn Lịch sử phải nắm chắc mốc thời gian, sự kiện quan trọng, bởi những câu hỏi đầu tiên sẽ xoay quanh những vấn đề này. Với môn Địa lý, cơ bản nhất là kỹ năng sử dụng atlat; nhưng muốn đạt số điểm cao hơn cần phải trau dồi những kỹ năng khác như suy luận, phân tích, so sánh, lý giải… để trả lời những câu hỏi ở mức độ vận dụng hay vận dụng cao.
Riêng Ngữ văn, cần hiểu được nội dung từng tác phẩm, nắm rõ hướng triển khai một bài văn nghị luận và cách trình bày hợp lý, khoa học. “Đặc biệt, giai đoạn nước rút này cần luyện tập thật nhiều để rèn luyện tư duy viết bài và làm quen áp lực phòng thi”, Thành chia sẻ.
Không đâm đầu câu khó, không đánh rơi điểm câu dễ
Lê Minh Thành hiện theo học ngành Y đa khoa, Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, góp ý: Khối B có hai môn Hóa học và Sinh học có số lượng câu lý thuyết khá nhiều nên các bạn thí sinh cần đọc kỹ đề để né “bẫy” và hạn chế tối đa sai sót đáng tiếc. Vì thời gian làm bài thi ngắn nên cần để ý thời gian thật kỹ, tránh bị câu hỏi khó, câu hỏi “lạ” làm bối rối, đâm đầu giải mà bỏ qua các câu còn lại.
Đối với môn Toán “khó nhằn”, các bạn nên xem lại một lượt các định nghĩa để tránh nhầm lẫn khái niệm dẫn đến mất điểm đáng tiếc. Việc áp dụng “mẹo” vào lúc thi có thể cải thiện đáng kể độ chính xác và thời gian làm bài, nhưng không nên phụ thuộc hoặc lạm dụng khi chưa vững kiến thức.
Chia sẻ “chìa khóa” thành công của mình trong kỳ “vượt vũ môn” năm 2021, Thành gói gọn: “Khi vào phòng thi nên làm bài với mục đích tối ưu số điểm đạt được, đó là không đâm đầu vào câu khó khiến phải mất nhiều thời gian, không đánh rơi điểm ở câu dễ”.
Làm đến đâu chắc đến đó
Là dân chuyên Toán, Hà Thanh Bắc nhấn mạnh giai đoạn này nên tích cực luyện đề thật nhuần nhuyễn với cấu trúc đề thi và dạng câu hỏi. Khi luyện, tạo một môi trường giống như trong phòng thi, bấm đồng hồ, nghiêm túc, cẩn thận làm bài tránh các lỗi sai không đáng có. Sau khi làm xong, tra đáp án, tìm các phần kiến thức mình mắc sai sót và ôn tập lại phần đó. Có thể lập một nhóm bạn để cùng nhau làm đề và trao đổi.
Quá trình làm bài thi, đọc kỹ đề, cẩn thận, nhất là câu lý thuyết, làm chắc những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu; không nên đâm đầu vào các câu hỏi khó nếu còn ít thời gian mà hãy kiểm tra lại những câu đã làm.
Với môn Toán, phân bổ thời gian làm bài hợp lý: Câu dễ làm tối đa 1 phút, câu trung bình tối đa 2 phút, câu khó tối đa 3 phút, câu rất khó tối đa 5 phút; trường hợp không làm được thì bỏ qua luôn. Phương pháp giải toán linh hoạt kết hợp giải tự luận với sử dụng máy tính cầm tay, phương pháp loại trừ… để tối ưu thời gian làm bài. “Đặc biệt làm đến đâu chắc đến đó, chất lượng hơn số lượng!”, Bắc nhấn mạnh.
Đừng để quá căng thẳng
Thủ khoa khối A1 Nguyễn Duy Khang lưu ý các thí sinh muốn đạt được số điểm cao như 9+ thì trước hết phải nắm chắc điểm 7+, 8+. Vậy nên, học chắc lý thuyết và các câu hỏi cơ bản trước rồi mới bắt đầu tính đến vận dụng cao để khi thi không bị mất điểm đáng tiếc. Nhớ kỹ mục tiêu đặt ra trước khi thi. Khi làm bài đủ số điểm mình muốn rồi thì nên dừng lại kiểm tra kỹ lại đáp án vừa làm, chắc chắn rồi mới bắt đầu làm tiếp các câu tiếp theo. Ngoài ra, khi làm bài thi mạnh dạn bỏ qua những câu hỏi không làm được, không nên tốn quá nhiều thời gian vào 1 câu nhỏ.
Khang lưu ý ngoài việc học, các bạn thí sinh cần chú ý đừng để đầu óc quá căng thẳng. Một thái độ tích cực, không e ngại hay sợ hãi sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp mình hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới!
MAI HOÀNG