Chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh hại vụ Hè Thu năm 2022:
Tích cực phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo năng suất tốt
Ðể đảm bảo cho vụ Hè Thu năm 2022 ổn định về cả năng suất, sản lượng và bù đắp cho phần thiệt hại trong vụ Ðông Xuân, ngành NN&PTNT đôn đốc, hướng dẫn nông dân thực hiện đầy đủ các khuyến cáo chăm sóc cây trồng, theo dõi tình hình thực hiện phòng trừ sâu bệnh hại.
Toàn tỉnh bước vào vụ sản xuất Hè Thu năm 2022 với thuận lợi khá lớn là nguồn nước dồi dào, đảm bảo tưới tiêu ổn định; nguồn cung vật tư nông nghiệp đầy đủ. Tuy nhiên sau đó thời tiết biến động thất thường, giá nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng cao. Để giúp nông dân an tâm sản xuất, Sở NN&PTNT giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp địa phương và chính quyền các cấp triển khai lịch thời vụ phù hợp với đặc thù riêng của địa phương, đẩy nhanh tiến độ gieo sạ để tận dụng được nguồn nước tưới.
Nông dân huyện Tây Sơn phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa vụ Hè Thu năm 2022. Ảnh: MINH NGỌC
Theo Sở NN&PTNT, vụ Hè Thu toàn tỉnh gieo sạ 42.378 ha lúa. Về cây trồng cạn đã gieo trồng đảm bảo theo kế hoạch đề ra, cụ thể: Bắp 1.874 ha, đậu phụng 1.198 ha, mè 1.743 ha, rau các loại 3.278 ha, đậu các loại 414 ha. Vụ Hè Thu năm 2022, toàn tỉnh triển khai 118 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa và đậu phụng, trong đó có 111 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa với diện tích 5.509 ha, 7 cánh đồng mẫu lớn sản xuất đậu phụng, diện tích 302 ha. Đồng thời tiếp tục duy trì 8 dự án cánh đồng lớn, dự án cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống với diện tích 982 ha, tổng số hộ dân tham gia 4.283 hộ.
Cùng với đó, dự báo những nguy cơ xuất hiện sâu bệnh hại, ngay từ đầu vụ, ngành NN&PTNT có khuyến cáo đầy đủ cho nông dân trong công tác phòng trừ sâu bệnh. Trong đó, với cây lúa vụ Hè Thu xuất hiện một số đối tượng gây hại như bọ trĩ, ốc bươu vàng, sâu keo... Các đối tượng này phát sinh cục bộ, ngành NN&PTNT đã phát hiện và kịp thời khoanh vùng, kiểm soát và hướng dẫn biện pháp phòng trừ. Với các cây trồng cạn, Sở NN&PTNT giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở địa phương triển khai các mô hình chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất như mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây bắp, mô hình sản xuất thâm canh cây đậu phụng, bắp, mè hợp chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, từng bước hạn chế các sâu bệnh hại, giảm dần việc sử dụng các hóa chất nông nghiệp vô cơ.
Theo ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, đến nay, Phòng phối hợp hướng dẫn các địa phương trong chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh hại vụ Hè Thu. Mấy năm gần đây, nhờ được hệ thống kênh tưới Văn Phong, Thượng Sơn đảm bảo nước tưới, chính quyền và ngành nông nghiệp chủ động lên kế hoạch hướng dẫn các HTX, nông dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn, tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản; qua đó tăng hiệu quả kinh tế và lợi nhuận.
Trong khi đó, “vựa lúa” Tuy Phước tập trung duy trì các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Tuy Phước, nhiều năm qua địa phương không còn mở rộng các vùng sản xuất, thay vào đó đầu tư áp dụng tiến bộ KHKT, thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào. Với rau màu, tập trung cho các vùng rau để phát triển rau an toàn hợp chuẩn VietGAP.
Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trên cơ sở theo dõi tiến độ phát triển của cây trồng, Chi cục tham mưu Sở NN&PTNT ban hành lịch thời vụ, cơ cấu giống và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng địa phương. Hiện đang vào giai đoạn cây trồng vụ Hè Thu sinh trưởng và phát triển - giai đoạn quyết định quan trọng, do đó Chi cục cử cán bộ đứng chân địa bàn thường xuyên theo dõi, đôn đốc, khuyến cáo nông dân trong chăm sóc cây trồng, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh hại; đồng thời chú trọng vào ứng dụng các công nghệ mới phù hợp để tăng hiệu quả.
THU DỊU