Xã Cát Sơn, huyện Phù Cát: Bờ sông La Tinh sạt lở, dân mất đất sản xuất
Phản ánh đến đường dây nóng Báo Bình Định, người dân thôn Hội Sơn (xã Cát Sơn, huyện Phù Cát) cho biết: Từ nhiều năm nay, bờ sông La Tinh đoạn thuộc địa phận thôn Hội Sơn bị sạt lở nghiêm trọng, mất đi nhiều diện tích đất, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống của hàng chục hộ sống ven sông.
Ông Đặng Quốc Tuyên, ở thôn Hội Sơn, cho biết: Tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều diện tích đất của người dân bị “hà bá” nuốt chửng, không sản xuất được, một số gia đình có đất dọc bờ sông bị mất từ 1 - 2 sào, nhiều nhất là gia đình ông Đặng Văn Nông (nằm dọc bờ sông xóm Sơn Lâm Nam) mất khoảng 5 sào.
Tình trạng sa bồi thủy phá đã cuốn đi nhiều diện tích đất của gia đình ông Đặng Văn Nông. Ảnh: V.L
Theo Trưởng thôn Hội Sơn Nguyễn Ngọc Hường, đoạn sông này chưa được đầu tư xây dựng kè kiên cố, chỉ xây tạm bợ bằng đất, đá. Vì vậy, nếu mưa kéo dài và xuất hiện lũ lớn thì bờ sông sẽ tiếp tục sạt lở, mất thêm nhiều diện tích đất sản xuất. Ngoài ra, hàng chục hộ dân có nhà ở ven sông cũng bị đe dọa đến tài sản và tính mạng.
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Sơn, cho biết: Đợt lũ lụt cuối tháng 11.2016 khiến bờ sông La Tinh qua địa bàn thôn Hội Sơn bị cuốn phăng, mất khoảng 20 ha đất sản xuất. Sau đó, Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh đã khảo sát và cho xây dựng khoảng 1 km kè kiên cố từ hồ Hội Sơn xuống vùng hạ lưu. Còn lại khoảng gần 1 km bờ sông từ đoạn cuối của bờ kè này đến cầu Sơn Minh (phía sau trụ sở thôn Hội Sơn) do địa phương tự gia cố, khắc phục các đoạn sạt lở bằng cách dùng cọc tre, đất, đá, bao cát và bạt ni lông làm kè chắn. Tuy nhiên, do chỉ đắp tạm bợ nên các đoạn bị sạt lở ngày càng xuống cấp, hư hỏng.
Đợt lũ năm 2021 vừa qua, đoạn đê tại khu vực cánh đồng Soi Ninh bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều diện tích sản xuất lúa. Trước tình hình này, xã đã xin ý kiến lãnh đạo huyện Phù Cát và được huyện hỗ trợ một phần kinh phí cho xây dựng đoạn kè bị sạt lở, chứ không phải làm toàn tuyến. Một số người dân thấy vậy yêu cầu xã phải xây dựng tuyến kè phía xóm Sơn Lâm Nam.
Để có thể xây dựng công trình kè còn lại theo yêu cầu của người dân, cần nguồn kinh phí lớn. Hiện nay, theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, việc đầu tư xây dựng công trình đê, kè phải thật sự là những tuyến xung yếu, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân tại những khu dân cư mật độ cao. “UBND xã đã báo cáo UBND huyện đề nghị tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí để thực hiện gia cố, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân và bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp”, ông Sang cho hay.
VĂN LƯU