Hàng Việt lên miền núi
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, Sở Công Thương tích cực triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt lên với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.
Giữa tháng 6, chúng tôi có dịp tham dự phiên chợ hàng Việt tại xã An Hòa, huyện An Lão do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Trung tâm KC&XTTM, Sở Công Thương) phối hợp với UBND huyện An Lão tổ chức. Chị Đinh Thị Hoa, 27 tuổi, thôn 6, xã An Trung, chia sẻ: “Lâu lắm rồi mới nghe thông báo có phiên chợ hàng Việt. Chị em tôi trông ngóng tới ngày tổ chức để chở con, cháu đi chợ tham quan, mua sắm quần áo, đồ dùng sinh hoạt gia đình. Tôi thấy có rất nhiều sản phẩm Việt Nam, có tem nhãn, địa chỉ rõ ràng, mẫu mã đẹp, giá lại rẻ… Bà con coi phiên chợ như là ngày hội chứ không phải chỉ đến để mua hàng”.
Với phụ nữ thôn 6, xã An Trung, phiên chợ hàng Việt tại xã An Hòa, huyện An Lão, không chỉ là dịp mua bán mà còn là ngày hội. Ảnh: HẢI YẾN
Trước đó, phiên chợ hàng Việt tổ chức tại thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh rất thành công. Chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, 40 tuổi, ở thị trấn Vĩnh Thạnh, cho biết: “Tôi hay dự các phiên chợ và thấy các sản phẩm do DN trong tỉnh sản xuất ngày càng tốt, đặc biệt là bún phở khô, nước mắm, hải sản khô có nhiều mẫu mã, bao bì đẹp, giá lại tốt. Sau phiên chợ năm nay, tôi đang tiến hành thủ tục xin làm đại lý phân phối cho một số sản phẩm tại thị trấn”.
Ở mỗi phiên chợ, có hơn 80 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm hàng tiêu dùng do các DN trong nước sản xuất. Các gian hàng được bố trí hợp lý, bày bán các mặt hàng phong phú, đa dạng mẫu mã như lương thực, thực phẩm, dụng cụ học tập, hàng phục vụ nông nghiệp, hóa mỹ phẩm, gia dụng... Hàng hóa bày bán ở đây đều rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ; hơn nữa, do đơn vịsản xuất trực tiếp bán hàng nên được linh động giá cả, khuyến mãi đi kèm. Vì thế, quan sát các phiên chợ dễ dàng thấy nét phấn khởi, vui vẻ của các bà nội trợ vùng cao.
Phiên chợ còn là dịp để các HTX, cơ sở, DN ở huyện Vĩnh Thạnh, An Lão mang sản phẩm, nông sản đến bày bán, quảng bá như: Nem chả Quốc Hội, rượu Vĩnh Cửu, bánh tráng Vĩnh Cửu, xịt họng thảo dược Lalang, chè dây Dạ Cẩm, dầu gội dược liệu BIDICOMED, mỹ nghệ Tuyết Sương… Ông Lê Minh Thoại, chủ cở sở sản phẩm mỹ nghệ Tuyết Sương, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh, tôi đầu tư toàn bộ trang thiết bị hiện đại thiết kế, tiện gỗ trị giá cả tỷ đồng. Nhờ đó, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của cơ sở làm ra ngày càng sắc sảo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng”.
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương phối hợp với nhiều đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương tích cực, chủ động đưa hàng tiêu dùng sản xuất trong nước về miền núi. Việc người dân vùng cao ngày càng ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam là thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiệu quả cuộc vận động không chỉ thể hiện ở những con số về lượt buổi tuyên truyền, số người dân đến phiên chợ, số hàng hóa tiêu thụ mà là sự phủ sóng rộng khắp của những mặt hàng sản xuất trong nước đến tận thôn, làng.
Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, phân tích: “Nếu trước đây, bà con tập trung quan tâm đến mẫu mã, tác dụng và giá bán; thì nay, cùng với đó, họ để ý đến nguồn gốc xuất xứ, có sự ưu tiên lựa chọn sản phẩm cùng loại do các DN trong nước, trong tỉnh sản xuất. Và đặc biệt, từ cuộc vận động và trực tiếp từ những phiên chợ, DN tham gia có thêm nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, tiếp thị hàng hóa và hiểu nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn”.
HẢI YẾN