Tổng Bí thư: "Kỷ luật đồng chí, đồng đội là điều đau xót, nhưng buộc phải làm"
Nhắc lại việc kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Tổng Bí thư cho biết: “Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm".
Phát biểu tại cuộc cuộc tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng sau kỳ họp thứ 3 vào sáng 23.6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu các ý kiến ngắn gọn, tập trung, sâu sắc, tâm huyết và có trách nhiệm của cử tri; đồng thời cho biết sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến để báo cáo Quốc hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.
Nhắc lại việc xử lý kỷ luật 2 Ủy viên Trung ương gồm ông Chu Ngọc Anh - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội và cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long liên quan vụ án Việt Á, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta tiến hành kiên trì, nhân văn, có lý có tình, làm bài bản, hết sức thuyết phục.
“2 đồng chí này đều là Ủy viên Trung ương Đảng, vừa qua đều đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và cách chức một số chức vụ khác. Sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra, kỷ luật Đảng làm trước, kỷ luật hành chính tiếp theo, rồi mới đến kỷ luật hình sự, gần như thành lý luận về phòng, chống tham nhũng, thành bài học để giai đoạn sắp tới tiếp tục làm thế nào cho tốt, nhất là khi chúng ta thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, với cách làm bài bản như vậy, bản thân các đương sự cũng đã nhận ra các sai sót, khuyết điểm, đó là điều quan trọng nhất. Quan trọng hơn, đây là bài học răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo người khác đừng đi vào vết xe đổ.
“Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây”, Tổng Bí thư cho biết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Theo người đứng đầu Đảng, lần này Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và hiện nay một số tỉnh đã thành lập. Ngày 30 tới đây sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng kể từ khi Ban chỉ đạo Trung ương được thành lập do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo. Hội nghị nhằm tổng kết rút kinh nghiệm, chỉ ra các bài học để giai đoạn tới tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nhất là trong bối cảnh các tỉnh, thành phố trong cả nước đang triển khai thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh với tinh thần xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
“Lần trước tôi đã nói, anh nào trong Ban chỉ đạo mà vi phạm thì xử lý trước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh điều này, đồng thời cho biết, Hội nghị tổng kết 10 năm thành lập Ban chỉ đạo Trung ương cũng chính là bồi dưỡng cho các ban chỉ đạo cấp tỉnh làm sao thống nhất từ Trung ương tới địa phương, làm sao phải “đúng vai, thuộc bài”.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh giúp cấp ủy, chính quyền, tham mưu để giải quyết những công việc liên quan phòng, chống tham nhũng. Đây không phải chỉ là chống mà còn phải phòng, chủ trương, chính sách thế nào để không thể, không dám, không cần, không muốn tham nhũng. Cả một cơ chế, hệ thống như vậy. Với lý do thế này, thế khác, làm những việc vừa sai pháp luật, vừa trái với đạo lý vừa không đúng phẩm chất đạo đức là không được.
Nêu lại ý kiến băn khoăn về việc cách chức nhiều cán bộ thì lấy đâu người làm, Tổng Bí thư khẳng định “vắng ông trưởng thì ông phó tạm quyền thay, sau đó phải chọn người cho đúng, chính xác, chứ không vội vàng đưa người nào đó lên. Phải chọn đúng người, quan trọng vẫn là công tác cán bộ”.
Theo Tổng Bí thư, kỳ họp Quốc hội vừa qua để lại dư luận rất tốt, tiếp tục có những đổi mới, làm đúng vai là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Theo đó, HĐND cũng phải làm đúng vai là cơ quan đại diện của nhân dân, lắng nghe ý kiến cũng như tiếp thu ý kiến của nhân dân để làm sao ra được những chính sách phù hợp với lòng dân, từ đó mới huy động được sức dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp.
Theo Kim Anh (VOV.VN)