HLV đội tuyển bóng ném nữ Bình Định Nguyễn Thái Hòa:
“Bóng ném đã là một phần cuộc sống”
Gắn bó với bóng ném đến nay đã 11 năm, gặt hái được khá nhiều thành tích cả trên cương vị VĐV lẫn HLV, Nguyễn Thái Hòa vẫn ấp ủ nhiều dự định để xây dựng và phát triển bộ môn bóng ném, dù phía trước còn rất nhiều khó khăn…
“Kết duyên” với bóng ném
Niềm đam mê thể thao từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường của Nguyễn Thái Hòa là môn bóng đá. Anh cũng từng xin theo tập ở một lớp năng khiếu bóng đá do HLV Trần Kim Đức huấn luyện. Tuy nhiên, cuối cùng bóng ném đã… chọn Hòa, để rồi càng ngày anh càng gắn bó với môn thể thao vốn còn chưa phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước.
● Bắt đầu đến với thể thao khi đã 18 tuổi, lại không phải là môn mình yêu thích, làm thế nào anh có thể tạo được cho mình niềm đam mê và gắn bó với bóng ném?
- Tôi đến với bóng ném khá tình cờ, khi được một người anh ở gần nhà rủ đi tập chỉ vì có thể hình phù hợp với bộ môn này. Ban đầu, cũng như nhiều người khác, tôi không biết bóng ném là môn gì, thi đấu thế nào, nhưng khi tiếp xúc tôi thấy có rất nhiều điều thú vị và không khó để hòa nhập với môi trường mới. Những năm tháng tập luyện, thi đấu cùng các đồng đội để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó phai. Những thành tích đạt được sau nhiều tháng ngày khổ luyện đã kích thích tôi tiếp tục theo đuổi bộ môn này.
● Đồng đội của anh vẫn còn rất ấn tượng về những gì anh đã thể hiện trong vai trò là một chủ công xuất sắc của đội tuyển bóng ném Bình Định.
Thực ra ai cũng có những sở trường, sở đoản riêng. Điểm mạnh của tôi là có thể hình tương đối tốt và lực ném mạnh. Vì đến với thể thao chuyên nghiệp có phần muộn màng hơn so với nhiều anh em khác, nên tôi phải nỗ lực tập luyện nhiều hơn để tích lũy nền tảng thể lực đủ để đáp ứng trong thi đấu. Việc học hỏi từ các đồng đội cũng giúp tôi khắc phục được nhiều điểm yếu về chuyên môn. Bóng ném là môn thể thao tập thể, nếu không nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các đồng đội thì tôi cũng không thể làm được gì.
● Tính đến nay đã có 11 năm gắn bó với bóng ném, hỏi thật anh nhé, liệu có lúc nào đó anh hối tiếc về sự lựa chọn này?
- Tôi là người mê thể thao, nên được sống và làm công việc mình yêu thích là điều tuyệt vời rồi. Dẫu thể thao Bình Định còn nhiều khó khăn, bóng ném cũng không phải ngoại lệ, nhưng tôi hài lòng về những gì đã làm được. Chỉ tiếc là chấn thương đầu gối (đứt dây chằng chéo trước) từ năm 2009 đã ngăn không cho tôi cống hiến nhiều hơn cho đội tuyển bóng ném nam ở một số mùa giải tiếp theo.
HLV trẻ mát tay
Năm 2009, khi mới 24 tuổi Nguyễn Thái Hòa được Tổng cục TDTT giao nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển bóng ném nam trẻ quốc gia. Sau đó 2 năm, anh chính thức dẫn dắt đội tuyển bóng ném nữ Bình Định, tiếp tục gặt hái những thành công mới cho thể thao tỉnh nhà. Anh còn được nhiều đồng nghiệp trân trọng vì rất quan tâm đến cuộc sống, sinh hoạt của các VĐV.
● Với một HLV còn khá trẻ như anh, việc đảm nhiệm vai trò HLV đội tuyển của tỉnh có phải là áp lực lớn?
- Được rèn luyện trong môi trường thể thao vốn khá khắc nghiệt, nên tôi cũng dần quen với những áp lực. Hơn nữa, ở đội tuyển nữ Bình Định, các em phần nào đã định hình về kỹ chiến thuật nên công việc của tôi cũng đỡ vất vả hơn. Dù vậy, để đạt được thành công thì đòi hỏi phải đổ mồ hôi, thậm chí cả máu trên sân tập, nên tôi luôn yêu cầu các học trò nỗ lực hết mình để vươn tới những đỉnh cao mới. Kinh nghiệm trong quá trình thi đấu trong màu áo đội tuyển Bình Định, tuyển quốc gia, cộng với kiến thức lĩnh hội được từ lớp HLV bóng ném do Liên đoàn Bóng ném Đông Nam Á tổ chức cũng giúp tôi có thêm nhiều cái nhìn mới mẻ, áp dụng vào các bài tập hàng ngày.
● Và việc đổi màu huy chương ở giải vô địch quốc gia và lần đầu tiên giành HCV cúp các CLB có phải là sự ghi nhận cho những nỗ lực đó?
- Năm 2011, khi tôi chính thức nhận nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển nữ Bình Định, đây là lúc các em dần đạt được độ chín trong sự nghiệp, do đó, thành tích đạt được là sự ghi nhận cho sự tiến bộ của cả tập thể. Còn ở giải cúp các CLB diễn ra vào tháng 5 vừa qua, các VĐV Bình Định đã khắc phục được những điểm yếu về tâm lý trong thi đấu nên lần đầu tiên giành được tấm HCV ở một giải quốc gia. Đây là động lực lớn giúp toàn đội tiếp tục hướng đến những mục tiêu cao hơn.
● Nhiều đội tuyển khác tỏ ra “ngưỡng mộ” khi phòng ở của các VĐV bóng ném nữ được trang bị cả máy giặt, máy tính, máy nước nóng. Anh quả là HLV biết quan tâm đến đời sống của các học trò…
- Đời sống của VĐV Bình Định hiện nay còn khó khăn so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Vì vậy, tôi nghĩ cần quan tâm nhiều hơn đến các em trong khả năng của mình. Những thiết bị này là do tôi cùng cả tập thể trang bị nhằm giúp các em có được sự thoải mái trong sinh hoạt. Với nhiều VĐV, ngoài việc tập luyện, họ còn phải theo học văn hóa. Sau mỗi buổi tập mệt mỏi, lại phải “đánh vật” với giặt giũ, áo quần sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian học tập của các em. Còn máy tính là để các em tìm hiểu, bổ sung thêm những thông tin, kiến thức về xã hội. Bên cạnh đó, tôi cũng yêu cầu các học trò tìm kiếm, xem lại những trận đấu bóng ném hay để học hỏi thêm.
Tìm hướng phát triển cho bóng ném
Bóng ném đã xuất hiện ở Bình Định từ năm 1997, đem về rất nhiều huy chương quý giá cho thể thao tỉnh nhà. Cùng với đó, nhiều VĐV được gọi vào đội tuyển quốc gia, thi đấu thành công tại SEA Games và giải vô địch Đông Nam Á. Tuy nhiên, tương lai của bóng ném ở Bình Định khá mù mịt, khi chúng ta vẫn bỏ trống mảng phong trào và tuyến kế thừa cũng chưa được hình thành.
● Bóng ném Bình Định đã giành được rất nhiều thành tích ấn tượng, nhưng về mặt phong trào vẫn là con số không. Thậm chí, rất nhiều người không biết bộ môn này thi đấu thế nào. Anh có lo lắng về điều này?
- Đây vẫn là vấn đề khiến tôi trăn trở. Từ trước đến nay, chúng ta hoàn toàn tuyển quân dựa vào yếu tố chiều cao hoặc một vài tố chất của học sinh, khi các em chưa hề có khái niệm gì về bóng ném. Việc đào tạo từ đầu hoàn toàn sẽ rất mất thời gian, những khi lực lượng bất ngờ bị thiếu hụt thì cũng rất bị động. Do đó, trong kế hoạch sắp tới, chúng tôi dự định sẽ bắt tay vào việc xây dựng phong trào bóng ném ở các trường học. Bóng ném rất dễ chơi so với nhiều môn thể thao khác, nên tôi nghĩ sẽ rất phù hợp để đưa vào thành môn học ngoại khóa ở các trường phổ thông. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn xây dựng được tuyến năng khiếu để có lực lượng kế cận, bổ sung cho đội tuyển.
● Anh còn có những kế hoạch gì để bộ môn bóng ném có thể phát triển mạnh mẽ hơn ở Bình Định trong tương lai?
- Hiện nay, các giải vô địch bóng ném hay giải các CLB thường tổ chức ở các địa phương khác, bởi Bình Định chưa đáp ứng được cơ sở vật chất để tổ chức những giải như thế này. Tuy nhiên, chúng ta đang có lợi thế rất lớn để phát triển những môn thể thao bãi biển. Hiện nay, Việt Nam đã có giải bóng ném bãi biển được duy trì tổ chức hàng năm, đã có một số VĐV Bình Định được gọi vào đội tuyển quốc gia để thi đấu giải bóng ném bãi biển châu Á và Đông Nam Á. Đây là môn thi đấu rất hấp dẫn, có thể kết hợp để thu hút và phát triển du lịch. Chúng tôi cũng đang tập luyện để thi đấu giải bóng ném bãi biển toàn quốc vào cuối tháng 7 tới. Trong thời gian qua, chúng tôi đã tập luyện tại bãi biển Quy Nhơn. Sau khi di dời tàu thuyền, chồ rớ, bờ biển nơi đây rất đẹp, phù hợp để tổ chức tập luyện và thi đấu các môn thể thao bãi biển, trong đó có bóng ném.
● Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc cho bộ môn bóng ném Bình Định ngày càng phát triển và giành được nhiều thành tích cao hơn nữa.
HLV Nguyễn Thái Hòa sinh năm 1985. Năm 2003 gia nhập đội tuyển bóng ném nam Bình Định, đạt được các thành tích: HCB giải vô địch toàn quốc (các năm 2004, 2005, 2008, 2009); HCV Giải cúp các CLB toàn quốc năm 2005; HCV Giải nam, nữ trẻ toàn quốc năm 2005; HCB Đại hội TDTT toàn quốc năm 2006; HCB Giải vô địch Đông Nam Á năm 2007; HCB SEA Games 24 (năm 2007).
Năm 2009 làm HLV đội tuyển trẻ quốc gia. Năm 2010 làm trợ lý HLV đội tuyển nữ Bình Định giành được HCV lứa tuổi U18, HCV lứa tuổi U20 tại Giải nam, nữ trẻ quốc gia, HCĐ Đại hội TDTT toàn quốc; làm trợ lý HLV đội tuyển nam, giành HCB Đại hội TDTT toàn quốc 2010. Năm 2011 chính thức nắm tuyển nữ Bình Định, đoạt HCV lứa tuổi U20 nam, nữ trẻ quốc gia, HCB giải vô địch quốc gia (các năm 2011, 2012, 2013). Năm 2014 đoạt HCV Giải các CLB nam, nữ toàn quốc. Năm 2012 làm trợ lý huấn luyện đội tuyển nữ quốc gia, đoạt HCV giải vô địch Đông Nam Á tại Thái Lan.
LÊ CƯỜNG (Thực hiện)