Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách tín dụng
Ðợt giám sát kết quả thực hiện chính sách tín dụng do Ban Văn hóa - Xã hội (HÐND tỉnh) vừa tiến hành đã ghi nhận nhiều đề xuất, kiến nghị thiết thực, là cơ sở để nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình tín dụng chính sách cũng như công tác tư vấn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay giai đoạn 2022 - 2025.
Đổi thay từ vốn vay
Năm 2020, bà Trần Thị Xuân Cẩm (SN 1970, hộ cận nghèo, ở khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) vay 50 triệu đồng mua hai con bò (1 đực, 1 cái); bò đực kéo cày phục vụ sản xuất, bò cái đẻ ra bê; bà nuôi bê lớn rồi bán đi, giờ lại có tiếp một con bê nữa. Dành dụm, xoay xở, bà Cẩm có thêm mấy sào hành củ, đang có người trả được giá.
Bà Trần Thị Xuân Cẩm ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (người đội nón) đã phát huy hiệu quả vốn vay vào chăn nuôi bò. Ảnh: N.T
Cũng thuộc diện cận nghèo, ở cùng địa phương, bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1973) nhờ vốn vay chính sách mà kinh tế gia đình dần thong thả. 3 năm trước, bà vay 50 triệu đồng, mua 1 bò cái, 1 con bê hết 40 triệu đồng, 10 triệu đồng còn lại, bà dùng mua rơm, thức ăn cho bò, che mái phía sau nhà, phủ qua chuồng bò. 2 năm sau, bà bán bò cái được 23 triệu đồng, bê con giờ đã lớn, đến tuổi sinh sản.
“Nghề chính của tôi là nấu rượu gạo, lấy hèm nuôi heo, bò, rồi trồng thêm rau ở khoảnh đất bên cạnh. Có đồng vốn vay với lãi suất thấp, tôi mạnh dạn làm, rồi dành dụm, mới đây đã mua được chiếc máy gặt đập liên hợp”, bà Hạnh kể.
Cung chưa đủ cầu
Theo kết quả khảo sát, vốn vay chính sách đã tiếp sức cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển kinh tế gia đình, lo cho con cái ăn học, xây công trình vệ sinh, hệ thống nước sạch. Ngoài những đối tượng trên, từ ngày 19.5.2022, hộ có mức sống trung bình được hưởng 2 chương trình tín dụng chính sách là vay vốn tín dụng đối với học sinh, sinh viên với mức tối đa 4 triệu đồng/tháng và vay tối đa 10 triệu đồng để mua máy tính, thiết bị đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trước hết là thực trạng cung không đủ cầu của vốn vay giải quyết việc làm. Theo Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021- 2025 và Chương trình giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm sẽ hỗ trợ tạo việc làm cho 5.800 lao động thông qua các dự án vay vốn. “Dù vậy, qua tổng hợp kết quả rà soát của các địa phương, khoảng 20.000 lao động đang có nhu cầu vay vốn. Nguồn vốn đã được bố trí bị thiếu hụt, theo quy định lại không thể điều chuyển vốn vay từ chương trình khác sang”, ông Trần Quốc Quân, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, cho hay.
Bên cạnh đó, việc cho các hộ có mức sống trung bình vay chưa tương xứng với nhu cầu. Theo ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, thị xã đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn đô thị loại III nên số hộ nghèo, cận nghèo thu hẹp. “Thay vào đó, nhu cầu vay vốn hỗ trợ việc làm, đầu tư sản xuất cho hộ có mức sống trung bình rất lớn và rất cần thiết”, ông Tiến nói.
Đáng chú ý, sau hai năm dịch Covid-19 hoành hành, một số hộ vay vốn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc trả nợ, trả lãi theo quy định. Cá biệt, một vài khoản nợ xấu từ nhiều năm qua vẫn chưa được xử lý. Tâm lý ngại vay vốn tín dụng ưu đãi vẫn còn, nhất là ở các hộ dân tộc thiểu số…
Cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời
Ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, khẳng định, chi nhánh và các phòng giao dịch luôn sẵn sàng, tích cực phối hợp để thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; luôn muốn cho vay nhanh, hoàn thành sớm kế hoạch.
Tuy nhiên, theo quy định, việc cho vay được hay không còn phụ thuộc vào nhiều bên liên quan. Chẳng hạn, với việc cho vay mua nhà ở xã hội, người có nhu cầu vay cần được cơ quan, đơn vị, địa phương xác nhận về nơi cư trú, thực trạng nhà ở, đối tượng, thu nhập... Nếu xác nhận không đủ hoặc không đúng theo quy định thì chi nhánh không thể cho vay.
Ông Thành cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của tín dụng CSXH, rất cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách về tín dụng CSXH. Cụ thể, gồm công tác điều tra, rà soát, thống kê, xác nhận đối tượng thụ hưởng; triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời; thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH…
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, chỉ đạo tổ chức hội các cấp thực hiện đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ được giao. Các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững của địa phương gắn với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH.
Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 17 chương trình cho vay cùng một số chương trình khác do tỉnh ủy thác. Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, chi nhánh đã cho 136 nghìn lượt khách hàng vay hơn 5.800 tỷ đồng. Dư nợ bình quân của mỗi hộ nghèo và chính sách là 52,8 triệu đồng.
Vốn tín dụng CSXH đã có mặt ở toàn bộ 159/159 xã, phường, thị trấn, 1.122/1.122 thôn, làng, khu phố trong toàn tỉnh, góp phần giúp hơn 23.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 33.000 lao động; tạo điều kiện cho gần 7.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 71.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, gần 800 căn nhà cho hộ nghèo; gần 10.000 hộ ở vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước vươn lên.
NGỌC TÚ