Một giá trị văn hóa Bana Kriêm lớn
Cuộc chiến cam go giữa cái thiện và cái ác - cốt lõi của sử thi Dyông Knoa - bắt đầu khi hai chị em Bya Kơmlak và Bya Linchithan trong khi đi mót củi bị Bok Jrakông - “người chẳng ra người, thú không ra thú”, một kẻ thích ăn thịt người mang lốt cọp - bắt giữ.
Ban đầu, trước sức mạnh khủng khiếp của Bok Jrakông, trong 3 anh em: Dyông Knoa, Gôn Gôk, Kla Yang thì 2 người đã lùi lại, chỉ mình Kla Yang dũng cảm, hiên ngang tới hang của Bok Jrakông. Nhưng Bok Jrakông đã đâm chết Kla Yang. Ba ngày không thấy Kla Yang về, Dyông Knoa và Gôn Gôk đến hang Bok Jrakông tìm. Họ cứu được hai em gái Bya Kơmlak, Bya Linchithan; mang xác Kla Yang về và cứu sống người anh hùng bằng một thứ nước thần. Sau đó cuộc chiến đấu một mất một còn giữa anh em họ với Bok Jrakông đã nổ ra.
Cuộc chiến đấu sinh tử diễn ra ác liệt từ mặt đất bao la lên đến bầu trời vô tận. Dù trổ hết tài năng và sức lực nhưng ba anh em gần như tuyệt vọng vì không thể giết được kẻ thù quá đỗi nguy hiểm.
Giữa lúc đó, đáp lại lời cầu cứu của Dyông Knoa lên Yang - đấng tối cao, nàng Bya Tuling xinh đẹp xuất hiện và chỉ cho họ cách chiến thắng kẻ thù. Không chỉ có vậy, trái tim của Dyông Knoa đã rung động trước sắc đẹp và trí thông minh của Bya Tuling. Và cuối cùng con người đã tiêu diệt được cái ác.
Bana Kriêm, một phân nhánh của tộc người Bana, sinh sống ở huyện Vĩnh Thạnh. Sử thi (hơ mon) Dyông Knoa do nghệ nhân bok Đoan kể, nhà nghiên cứu Hà Giao (1937 - 2011) và Đinh Yuan sưu tầm, biên dịch. Đây là một trong 5 sử thi được in trong sách Sử thi Bana Kriêm I, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản năm 2000.
Khác với rất nhiều câu chuyện cổ, chuyện thần thoại mà ta đã biết kể cả với sử thi Bana Kriêm, chiến thắng cho dù có được thần linh hỗ trợ vẫn không hề dễ dàng. “Dyông Knoa nhìn Kla yang, Gôn Gôk, chàng nói lên đôi tiếng buồn buồn: Ớ Kla, Gôn Gôk đều tóc đã hoa râm/ Ai ngờ trận đánh đến nửa đời mới thắng/ Ớ Gôn Gôk em có thấy tóc Dyông Knoa nay đã bạc trắng mấy rồi không/ mà vẫn chưa có ai đổ rượu têm trầu”.
Sử thi Dyông Knoa có khá nhiều điểm độc đáo, riêng có. Một ví dụ, khi Dyông Knoa cầu xin Yang cứu giúp, nàng Bya Tuling thuộc về cõi thiêng xuất hiện và thật kỳ lạ khi Dyông Knoa - người trần chủ động nuôi tình yêu với nàng. Một ví dụ nữa, ngay cả khi phải diệt trừ kẻ ác thì những người anh hùng cũng đường đường chính chính, cao thượng, bằng chứng là khi thấy Bok Jrakông còn đang ngủ, họ chờ hắn thức dậy mới tuyên chiến chứ không hề tranh thủ đánh lén.
Sử thi là những tác phẩm lớn ngợi ca những phẩm chất cao quý, tinh thần hướng thượng tuyệt vời như thế, và ta hiểu được tại sao phải giữ gìn và phát huy giá trị những sử thi như Dyông Knoa.
NGÔ HỒNG SƠN