Nguyên tắc giải quyết hồ sơ chuyển nhượng bất động sản
Câu hỏi: Vừa qua, tại các cơ quan thuế địa phương có hiện tượng trả hồ sơ kê khai chuyển nhượng bất động sản (BĐS) của người nộp thuế (NNT), lý do trả là do kê khai không đúng giá thực tế thị trường. Đề nghị cho biết như vậy có đúng quy định không và nguyên tắc giải quyết của Cục Thuế Bình Định như thế nào?
Trả lời:
Ngày 13.6.2022, lãnh đạo Cục Thuế Bình Định chủ trì cuộc họp với các đơn vị trực bàn về công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh BĐS; đồng thời sau khi nghe chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tại hội nghị trực tuyến trước đó, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh kết luận như sau:
Về nguyên tắc giải quyết hồ sơ:
Toàn ngành quán triệt bộ phận giải quyết hồ sơ đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm”, tuyệt đối không gây ách tắc về giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
- “Tiền phòng” là thực hiện phòng ngừa 4 nội dung: Khai sai giá thực tế; rủi ro pháp lý cho công chức thuế; tiêu cực trong giải quyết hồ sơ; sự bức xúc của dư luận và truyền thông. Theo đó, thực hiện phương châm “4 không”: Không trả hồ sơ (đã phù hợp theo quy định), không điện thoại, không thông báo giải trình và không cảnh báo dưới mọi hình thức.
- “Hậu kiểm” là thực hiện rà soát, phân loại và áp dụng các nghiệp vụ kiểm tra, xác minh đối với các hồ sơ chuyển nhượng đã được giải quyết.
Về tổ chức thực hiện và trách nhiệm triển khai:
- Để hình thành và công khai cơ sở dữ liệu về giá chuyển nhượng BĐS, các chi cục thuế thu thập các giao dịch thành công trong thực tế (đã kê khai nộp thuế) hoặc giá trúng đấu giá, giá nhà nước đền bù, giá lịch sử chuyển nhượng, giá công khai của các công ty môi giới/kinh doanh BĐS, sàn giao dịch BĐS… Cơ sở dữ liệu này phải được cập nhật thường xuyên theo thực tế phát sinh và công khai trên cổng giao tiếp điện tử để phục vụ công tác hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng cho NNT trong việc khai trung thực giá chuyển nhượng BĐS.
(Còn nữa)