Tăng cường kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm
(BĐ) - Chiều 24.6, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tỉnh Bình Định năm 2022.
Dự hội nghị, về phía Trung ương có bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương; bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Về phía tỉnh có bà Nguyễn Thị Phong Vũ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Huỳnh Thúy Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương.
Tham gia Hội nghị còn có lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh và 150 DN, cơ sở sản xuất và kinh doanh phân phối, bán lẻ của 18 tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi, Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Gia lai, Kon Tum. Đặc biệt, 6 sàn thương mại điện tử (Lazada, Shoppe, Tiki, Sendo, Voso, Postmart); các công ty công nghệ: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Công ty CP iCheck, Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO (FoodMap Asian).
Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại hội nghị. Ảnh: HẢI YẾN
Ngoài ra, Hội nghị thu hút 10 siêu thị, nhà phân phối và trung tâm thương mại (Central Retail, Imart Royal, MM Mega Market, Vinmart, SaiGon Co.op…). Các đơn vị đăng ký tham gia tìm kiếm đối tác trong lĩnh vực nông lâm, thủy hải sản như: Rau củ quả, thủy hải sản khô, tiêu hạt đen, rong sụn, gừng (sấy khô), nghệ vàng (sấy khô), quế, hồi, chanh dây, xoài, nhãn, thanh long, ớt…để làm hàng xuất khẩu vào các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh: Năm 2022, Bộ Công Thương đã quan tâm hỗ trợ tổ chức sự kiện Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Bình Định. Hội nghị nhằm tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết các vùng miền, trao đổi, hợp tác cung ứng, tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ giữa các tỉnh, thành trên cả nước. Các DN, cơ sở sản xuất tiêu biểu trong và ngoài tỉnh giới thiệu các sản phẩm chất lượng của mình đến DN phân phối; các DN phân phối có dịp tìm kiếm các cơ sở sản xuất uy tín để liên doanh, liên kết. Nhờ đó, các DN kết nối, nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa, hỗ trợ đưa hàng hoá đặc trưng của các tỉnh, thành phố trong cả nước vào hệ thống phân phối với nhau. Đặc biệt, trong Hội nghị này có sự tham gia của các DN kinh doanh thương mại điện tử, DN xuất nhập khẩu, DN Logistic trên địa bàn cả nước hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
VIDEO: PHAN TUẤN
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2021 (Vecom và Cục thương mại điện tử và kinh tế số - TMĐT & KTS), chỉ số TMĐT của tỉnh Bình Định hiện đứng 21/63 tỉnh, thành cả nước. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương Lê Việt Nga cho biết: Với những lợi thế hiện có, có thể thấy TMĐT của tỉnh Bình Định có cơ sở vững chắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng kênh phân phối mới, nâng cao giá trị các sản phẩm của tỉnh. Những kết quả mà tỉnh đạt được cho thấy sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong việc hướng dẫn, triển khai chương trình và sự hưởng ứng mạnh mẽ của tỉnh, đặc biệt là các DN, HTX, cơ sở sản xuất, tạo ra những chuyển biến mới góp phần thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số đối với các sản phẩm địa phương và sản phẩm OCOP của tỉnh. Kết nối cung cầu, kết nối TMĐT hay kết nối thúc đẩy lưu thông hàng hóa theo phương thức truyền thống và hiện đại là giải pháp căn cơ cho phát triển, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, tăng trưởng kinh tế hiện nay”.
Nhiều đại biểu Trung ương và các tỉnh quan tâm đến sản phẩm tại gian hàng Bình Định. Ảnh: HẢI YẾN
Tại hội nghị diễn ra các chương trình giới thiệu sản phẩm Bình Định tiêu biểu; Tập đoàn Central Retail ký kết bản ghi nhớ Sở Công Thương tư vấn hỗ trợ tìm hiểu tất cả quy trình điều kiện tiêu chuẩn để hàng hóa vào chuỗi siêu thị. Sở Công Thương, Sở TT&TT, Sở NN&PTNT ký kết hợp tác, hỗ trợ tỉnh Bình Định tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh với các sàn TMĐT. Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bình Định ký kết biên bản ghi nhớ với 12 đơn vị trong và ngoài tỉnh…
Sở Công Thương các tỉnh ký kết bản ghi nhớ, hợp tác liên kết cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh, thành phố dự hội nghị. Ảnh: HẢI YẾN
Đại diện Tập đoàn Central Retail ký kết bản ghi nhớ với Sở Công Thương. Ảnh: HẢI YẾN
Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bình Định ký kết biên bản ghi nhớ với 12 đơn vị trong và ngoài tỉnh… Ảnh: HẢI YẾN
Thảo luận tại hội nghị, các chuyên gia, nhà phân phối góp ý kiến giúp DN và người tiêu dùng tiếp cận nhau nhiều hơn, đạt được nhiều giá trị hơn. Hội nghị tổ chức cho sở Công Thương các tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác liên kết cung - cầu hàng hóa hai chiều giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh, thành phố và giữa các tỉnh, thành phố với nhau. Các DN giao thương, kết nối, hợp tác ký biên bản thỏa thuận hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa các DN phân phối và DN sản xuất.
Trong khuôn khổ Hội nghị, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương, thông qua Cục TMĐT& KTS và Sở Công Thương, tổ chức Chương trình ký kết hợp tác hỗ trợ tỉnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh, quảng bá, kinh doanh trên các sàn TMĐT.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng kiến nghị: Bộ Công Thương chỉ đạo Cục TMĐT& KTS phối hợp, hỗ trợ đẩy mạnh phân phối sản phẩm nông sản của Bình Định qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên sàn TMĐT để đưa sản phẩm nông sản hướng tới một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số, kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước. Hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mở rộng thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Ứng dụng TMĐT để đẩy mạnh xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, đồng thời mở rộng tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại địa phương.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương ký kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh với các sàn TMĐT Alibaba, Lazada, Shoppe, Sen đỏ, Tiki, Voso và Posmart.
Bộ NN&PTNT tích cực đàm phán với Trung Quốc để các loại nông sản chủ lực của tỉnh Bình Định như ớt, đậu phụng, bưởi… sớm được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Định hướng quy hoạch sản xuất sản phẩm nông nghiệp để định hướng sản xuất cho các địa phương. Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc vùng trồng và hỗ trợ xây dựng thương hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Với các DN TMĐT, DN Logistics, hỗ trợ cung cấp thông tin, hướng dẫn các DN, HTX, nhà cung cấp địa phương về các điều kiện, thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm vào sàn TMĐT. Phối hợp và xem xét đưa các nông sản tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Bình Định vào tiêu thụ tại sàn TMĐT tại từng thời điểm.
Đối với các sản phẩm chưa đủ điều kiện đưa vào hệ thống ngay thì tiếp tục hướng dẫn các DN, HTX, hộ sản xuất hoàn thiện các điều kiện, thủ tục trong thời gian nhanh nhất. Các DN Logistics quan tâm đầu tư xây dựng trung tâm logistics nông sản, kho lạnh để phân loại, bảo quản, sơ chế nhằm bảo đảm chất lượng nông sản tươi sống, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Có các chương trình hỗ trợ giảm chi phí vận chuyển cho sản phẩm nông sản để góp phần giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản trong tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT&KTS, trong bối cảnh đó, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ số, việc kinh doanh, phân phối bán buôn, bán lẻ hàng hóa cũng như quảng bá sản phẩm đòi hỏi có sự thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Và từ đó, hình thức mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến ngay với cả các sản phẩm như nông sản, thực phẩm chế biến... việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh TMĐT được xem là một trong những giải pháp mới và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa đặc trưng tiêu biểu có thế mạnh cũng như các sản phẩm OCOP của địa phương.
HẢI YẾN