Tạo cơ hội cho hàng Việt Nam từ sản xuất đến tiêu dùng
Nhằm tăng cường kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các nhà cung ứng, tư vấn địa phương kết nối với các doanh nghiệp, chiều 24.6, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam năm 2022 tại TP Quy Nhơn.
Hội nghị là một nội dung thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025; thu hút hơn 110 DN, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của 18 tỉnh, thành phố với hàng trăm sản phẩm đậm nét đặc trưng vùng miền. Đặc biệt, với định hướng đưa hàng Việt đi xa, lan tỏa rộng, Bộ Công Thương đã kêu gọi được 20 DN kinh doanh phân phối, xuất nhập khẩu; 7 DN kinh doanh thương mại điện tử; 10 DN logistic tham gia hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại miền Trung - Tây Nguyên của Tập đoàn Central Retail, cho biết: Chúng tôi lựa chọn và kết nối trực tiếp 9 DN các tỉnh, trong đó có 2 DN của Bình Định. Tập đoàn ký kết bản ghi nhớ với Sở Công Thương Bình Định tư vấn hỗ trợ tìm hiểu tất cả quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn để hàng hóa vào chuỗi siêu thị của Tập đoàn. Chúng tôi muốn hỗ trợ để các sản phẩm OCOP của miền Trung - Tây Nguyên trong đó có tỉnh Bình Định vào hệ thống và xuất khẩu.
Sở Công Thương các tỉnh ký kết bản ghi nhớ, hợp tác liên kết cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh, thành phố tại hội nghị. Ảnh: HẢI YẾN
Đến với hội nghị, các nhà sản xuất địa phương có điều kiện tiếp cận thông tin về nhà phân phối, nguồn nhập khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại. Ông Mai Xuân Chung, đại diện Hội Nông sản an toàn tỉnh Lào Cai, cho biết: Hội Nông sản an toàn tỉnh Lào Cai chịu trách nhiệm quảng bá, xúc tiến thương mại hơn 109 sản phẩm OCOP ở địa phương và mở rộng thị trường đến 50 tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đặc trưng khá nổi tiếng chỉ có ở Lào Cai như gạo Séng Cù, nước ngâm chân Dao đỏ, miến Bản Xèo… Đến với hội nghị, chúng tôi mong muốn kết nối bền vững các sản phẩm nông sản của tỉnh Lào Cai với thị trường miền Trung - Tây Nguyên.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2021 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam E-commerce Association - VECOM) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT - KTS, thuộc Bộ Công Thương) phối hợp thực hiện và công bố, chỉ số TMĐT của tỉnh Bình Định hiện đứng 21/63 tỉnh, thành cả nước. Với vị trí như thế, những tỉnh, thành có điều kiện, môi trường như Bình Định sẽ tìm được ở hội nghị nhiều thông tin tốt có thể thúc đẩy kết nối cung- cầu hướng tới mục tiêu giúp nhà sản xuất địa phương tiếp cận nhà phân phối, biết được những yêu cầu của các đơn vị xuất nhập khẩu.
Ông Phạm Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm PT, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: Chúng tôi đã đưa sản phẩm mật ong vào hệ thống siêu thị Big C, xuất khẩu sang Hàn Quốc. Chúng tôi đặt mục tiêu chinh phục người tiêu dùng ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Dịp này, Công ty đã ký được bản ghi nhớ với siêu thị Co.opmart Quy Nhơn và hy vọng sẽ sớm có nhiều cơ hội phục vụ khách hàng Bình Định.
Nếu các DN ngoài tỉnh rất tích cực tìm kiếm cơ hội đưa hàng hóa vào các tỉnh miền Trung, nhất là Bình Định, thì từ hội nghị, nhiều DN Bình Định đã tìm thấy đối tác để tiếp cận thị trường mới, lắng nghe nhu cầu của khách hàng, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Nguyễn Cảnh Duy, chủ cơ sở kinh doanh trà cà phê Cazin, huyện Vân Canh, cho biết: “Cơ sở vừa ra mắt sản phẩm mới bột trà - túi gói trà lá tía tô; thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm trà dung, trà rau má… Đến hội nghị, tôi rất bất ngờ vì sản phẩm của nhiều DN địa phương ở các tỉnh, thành khác có mẫu mã, bao bì hiện đại, tạo ấn tượng tốt, nhiều hộp quà xinh xắn. Nhìn thấy những sản phẩm như thế, tôi biết mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể đứng vững trong cuộc cạnh tranh, đặc biệt phải tích cực tham gia vào kinh tế số qua việc tích cực đưa hàng lên sàn TMĐT.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (Bộ Công Thương), cho biết với nhiều lợi thế và nền tảng tốt, tỉnh Bình Định có cơ sở vững chắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng kênh phân phối mới, nâng cao giá trị các sản phẩm của tỉnh. “Theo tôi, việc kết nối cung cầu, kết nối TMĐT hay kết nối thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp phương thức truyền thống và hiện đại sẽ tạo ra giải pháp căn cơ cho phát triển, tăng trưởng kinh tế”, bà Nga nói.
Bộ Công Thương đánh giá Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam là hoạt động xúc tiến thương mại theo chuỗi phù hợp, đạt hiệu quả tốt nhất hiện nay, do đó sẽ tìm cách tổ chức nhiều và thường xuyên hơn. Từ hội nghị, các nhà đầu mối gồm: Sản xuất - phân phối - xuất khẩu sẽ hợp tác cùng nhau, tiếp cận xu hướng thị trường ở thời điểm gần nhất, kịp thời nắm bắt cơ hội, đáp ứng nhu cầu thị trường phù hợp nhất.
HẢI YẾN