Thấu hiểu, cảm thông, cùng xây tổ ấm
Gia đình có vai trò quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Ở đó, ta được yêu thương, bảo vệ, được nuôi dưỡng cả thể chất lẫn tâm hồn. Mỗi người cần học cách lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu cho nhau, vun đắp nên tổ ấm.
Cùng vượt qua thử thách
Gia đình nào cũng gặp ít nhiều thử thách, có thể đến từ điều kiện khách quan hay ngay bên trong mỗi gia đình. Điều quan trọng là các thành viên nguyện ý cùng nhau đối mặt, giải quyết và vượt qua.
Vừa chuẩn bị các loại giống cây, cám gia súc giao cho khách, vợ chồng anh Nguyễn Đình Phương và chị Cù Thị Thu Lành (ở phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) vừa tươi cười kể chuyện.
Tranh thủ thời gian rảnh hiếm hoi, anh Thắng về nhà, sum vầy với gia đình. Ảnh: D.L
Chị hồi tưởng, trước khi gầy dựng được cơ ngơi khang trang như hiện tại, hai vợ chồng đã trải qua khoảng thời gian khó khăn. Bắt đầu từ hai bàn tay trắng, vợ chồng nỗ lực với từng sào ruộng, bao cám, mong có ngày dành dụm được ít chi phí chăm lo cho tổ ấm nhỏ. “Tôi nhớ mãi, vì nhà cũ, móng thấp nên mùa mưa lũ năm 2013, nước tràn vào làm hơn 150 bao cám ướt hết, nhiều đồ đạc bị hư hỏng. Sợ nợ chồng thêm nợ, hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo, lo lắng tìm cách xoay xở”, chị Lành kể lại.
Với quyết tâm để vợ con được no ấm, anh Phương còn tự tìm hiểu kiến thức chăn nuôi gia súc. Thế nhưng, vì chưa có kinh nghiệm, lại gặp đại dịch heo tai xanh nên cả đàn gần 100 con bị tiêu hủy. Mất niềm tin vào bản thân, anh chùn bước, luôn nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ thành công.
“Trong đầu tôi lúc bấy giờ chỉ toàn những con số. Vừa là món nợ ngân hàng, vừa là số heo bị chết vì dịch. Khi ấy, tôi không còn tâm trạng nghĩ đến những việc khác. Vậy mà vợ tôi vẫn lạc quan. Em thủng thẳng nói: Làm một lần không được thì làm lần hai, lần ba, rồi sẽ được. Nhờ đó, tôi vực dậy tinh thần, rút kinh nghiệm, thành công trong chăn nuôi”, anh Phương chia sẻ.
Khác với gia đình anh Phương chị Lành, gia đình chị Hà Thị Giang Liên và anh Lữ Minh Thắng (ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) lại đối diện với thử thách vô hình mang tên “lắng nghe, cảm thông”.
Công tác tại Đội PCCC&CNCH khu vực số 4 (CA tỉnh, đóng quân ở TX Hoài Nhơn), anh Thắng thường xuyên vắng nhà. Với đặc thù công việc, hầu hết thời gian anh ở cơ quan hoặc tham gia chữa cháy, cứu hộ. Do đó, việc lớn nhỏ trong nhà đều một tay chị Liên lo liệu. Anh chia sẻ: “Tôi hiểu rằng rất khó để tìm được một người vợ chấp nhận việc chồng gần như giao lại tổ ấm cho mình quán xuyến; thậm chí, có khi còn không liên lạc được với chồng. Con cái ở nhà cũng ít gặp bố trực tiếp mà thường liên lạc qua mạng xã hội. Nếu vợ con không cảm thông cho tôi, chắc gia đình sẽ khó bề yên ấm”.
Cảm thông, thêm gắn kết
Gia đình hạnh phúc là khi các thành viên có sự cảm thông, chia sẻ và gắn kết. Để trở thành hậu phương vững chắc, chị Liên cảm thông với nghề nghiệp của chồng; sắp xếp cân đối giữa công việc và vun vén nhà cửa. Hai vợ chồng thống nhất sẽ thẳng thắn trao đổi những việc cần điều chỉnh để tránh hiểu lầm, xa cách, khiến không khí gia đình căng thẳng.
“Có lần, cả nhà đang tổ chức sinh nhật cho tôi thì chồng nhận được điện thoại báo có vụ cháy. Thế là anh lập tức đi ngay, dù cảm thấy áy náy với 3 mẹ con. Buồn xen lẫn tủi thân nhưng tôi hiểu ý nghĩa công việc của chồng làm nên dần thích nghi và ủng hộ anh. Bù lại, tất cả thời gian rỗi, anh đều dành trọn cho gia đình”, chị Liên tâm sự.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Thảo Nguyên và chị Thái Thị Mỹ Dung (ở thôn Bắc Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, là gia đình thành đạt tiêu biểu của TX An Nhơn) chưa khi nào lớn tiếng cãi cọ nhờ cởi mở, thẳng thắn với nhau. Anh chị cùng làm trong ngành giáo dục, nhưng cũng lắm điểm khác biệt.
Vì mê cây cảnh nên anh Nguyên thường “lén” vợ mang cây quý về nhà. Chị lẳng lặng tìm hiểu và biết giá trị của chúng, có đôi lần “xót ví” nhưng vẫn không giận chồng, chỉ xua tay, miệng cười cười: “Anh ấy mua cây giá cao nhưng cũng trồng thêm hoa vì vợ thích. Tôi cũng vì chồng mà học cách chăm cây, cùng anh ngồi uống trà, trò chuyện từ công việc đến cuộc sống. Mỗi người nhường nhau một chút, hòa khí sẽ lại đong đầy, ai cũng vui vẻ, hạnh phúc”.
Không chỉ vợ chồng mà giữa cha mẹ với con cái cũng cần có sự thấu hiểu. Chứng kiến cha mẹ từ chỗ gắng sức trả từng món nợ, đến khi lo cho cả 2 con gái học thành tài, Nguyễn Như Quyền (SN 2002, con gái của anh Phương, chị Lành) tâm sự: “Biết ba mẹ làm tất cả vì con nên dù học và sống xa quê, em luôn gọi về nhà mỗi ngày để tâm sự. Mỗi lần về nhà là tranh thủ phụ ba cho heo ăn, phụ mẹ bày bán cám cho gia súc. Bởi em nhận ra, đời mình còn dài, có nhiều thời gian thăm thú, rong chơi. Nhưng thời gian của ba mẹ thì ít ỏi, và không gì vui hơn là khi gia đình sum vầy”…
DƯƠNG LINH