Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc năm 2022: Ðất Võ khẳng định vị thế
Vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ đoàn VÐV TP Hồ Chí Minh, nhưng nhờ có sự chuẩn bị tốt, đội tuyển võ cổ truyền Bình Ðịnh tiếp tục vượt qua đối thủ để bảo vệ thành công vị trí nhất toàn đoàn ở Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc.
Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc năm 2022 khởi tranh từ ngày 20.6 tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Đồng Nai. Giải năm nay có số lượng VĐV tham dự đông nhất từ trước tới nay với trên 500 VĐV nam, nữ lứa tuổi từ 6 - 17 đến từ 32 đoàn. Các võ sĩ tranh nhau 43 bộ huy chương nội dung đối kháng và 43 bộ huy chương quyền và đối luyện. Trong đó, VĐV nam, nữ thi đấu đối kháng theo 3 nhóm tuổi: 12 - 13 tuổi, 14 - 15 tuổi và 16 - 17 tuổi; VĐV thi đấu biểu diễn quyền (bài tự chọn) và đối luyện có độ tuổi từ 6 - 17. Riêng các VĐV biểu diễn bài quyền quy định thi đấu theo các nhóm tuổi: 6 - 11 tuổi, 12 - 14 tuổi, 15- 17 tuổi…
Đoàn VĐV Bình Định chụp hình lưu niệm sau khi kết thúc Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc năm 2022. Ảnh: NGUYỄN QUỐC
Tại giải này, đoàn Bình Định có 46 VĐV, 4 HLV tham gia, trong đó có 30 VĐV thuộc đội tuyển và 16 VĐV thuộc các vệ tinh. Đây là lần đầu tiên nội dung đối kháng được tăng thêm 2 nhóm tuổi, nên những đơn vị có số lượng VĐV tập trung lớn có cơ hội tranh chấp huy chương cao hơn. Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên các VĐV thi đấu đối kháng được sử dụng đòn chỏ, gối theo luật thi đấu mới.
Trong sáng 25.6, không khí tại Nhà thi đấu Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Đồng Nai sôi động nhưng cũng kém phần căng thẳng, khi diễn ra các trận chung kết nội dung đối kháng ở các hạng cân, nhóm tuổi thuộc Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc năm 2022. Bên cạnh những mục tiêu riêng của từng đoàn tham dự giải, sự chú ý dồn vào các võ sĩ của Bình Định và TP Hồ Chí Minh, bởi đây là 2 đoàn có khả năng tranh chấp vị trí nhất toàn đoàn. Điều đặc biệt là cả 2 đơn vị đều có 10 võ sĩ góp mặt ở chung kết, trong đó có 2 trận đấu trực tiếp giữa võ sĩ Bình Định và võ sĩ TP Hồ Chí Minh.
Sau những màn so tài căng thẳng, các VĐV đất Võ đoạt được 7 HCV, 3 HCB, đúng bằng số huy chương đoàn TP Hồ Chí Minh giành được ở nội dung đối kháng. Kết quả đó đồng nghĩa với việc đoàn Bình Định đứng nhất toàn đoàn (tổng cộng 18 HCV, 5 HCB, 6 HCĐ), bởi ở nội dung hội thi diễn ra trước đó, chúng ta đã giành được 11 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ, là đơn vị có số HCV nhiều nhất.
Về nhì với tổng cộng 17 HCV, 9 HCB, 11 HCĐ, đoàn TP Hồ Chí Minh cho thấy vẫn là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của đội tuyển võ cổ truyền Bình Định ở hầu hết các giải đấu. Trong các trận chung kết đối kháng, chỉ cần thêm 1 VĐV Bình Định không giành chiến thắng là ngôi đầu đã đổi chủ, vì đoàn VĐV thành phố mang tên Bác có số HCB và HCĐ vượt trội. Trong khi đó, dù cán đích ở vị trí thứ 3 (8 HCV, 4 HCB, 8 HCĐ), nhưng đoàn Lâm Đồng lại chưa nằm trong nhóm có khả năng tranh chấp vị trí dẫn đầu, bởi đơn vị này chỉ nổi bật ở nội dung hội thi (đối kháng chỉ giành được 3 HCĐ).
Võ sư cao cấp Trần Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết: “Giải lần này có số lượng VĐV đông, nên các nội dung thi đấu đều có sự cạnh tranh quyết liệt. Có 30/32 đoàn có huy chương, cho thấy phong trào tập luyện võ cổ truyền lan rộng và nhận được sự đầu tư của nhiều tỉnh, thành, ngành. Dù cùng có 10 VĐV vào chung kết đối kháng, nhưng theo kết quả bốc thăm, các nhánh đấu của VĐV Bình Định khó khăn hơn VĐV đoàn TP Hồ Chí Minh. Nhìn chung, các VĐV đối kháng của Trung tâm đã thể hiện tốt về chuyên môn, trong khi các VĐV ở các vệ tinh vẫn cần cải thiện nhiều”.
HOÀNG QUÂN