TÌM HIỂU CHÍNH SÁCH THUẾ
Nguyên tắc giải quyết hồ sơ chuyển nhượng bất động sản
(tiếp theo)
Về tổ chức thực hiện và trách nhiệm triển khai:
- Thiết kế và công khai quy trình giải quyết hồ sơ đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) đảm bảo ngắn gọn, súc tích và có tính thuyết phục người dân khai trung thực giá chuyển nhượng.
- Công khai thư ngỏ và quy trình tại trụ sở các tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng đăng ký đất đai, bộ phận một cửa cấp huyện, Trung tâm hành chính công để các bên có liên quan tham chiếu, thực hiện. Đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền người dân, phổ biến chính sách pháp luật thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS để người nộp thuế (NNT) nhận thức rõ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình; đặc biệt là tuyên truyền những hệ lụy pháp lý của việc khai giá chuyển nhượng không trung thực đối với người mua, người bán và các tổ chức hành nghề công chứng.
- Thực hiện phân loại hồ sơ đã giải quyết để tổ chức hậu kiểm: Triển khai các nghiệp vụ kiểm tra, xác minh đối với các hồ sơ có giá chuyển nhượng thấp hơn giá tham chiếu (cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế), cụ thể:
+ Đối với các hồ sơ so với giá tham chiếu và tính ra số thuế thấp hơn 100 triệu đồng thì rà soát, thực hiện quy trình ấn định thuế theo quy định; trong đó, đối với những đối tượng môi giới, “cò đất” cần đặc biệt lưu ý, rà soát, đối chiếu kỹ hồ sơ, hợp đồng,… với các căn cứ pháp lý để tổ chức xác minh (với bên mua, bên bán) để làm rõ. Cơ quan Thuế sẽ nghiên cứu căn cứ ấn định thuế đối với các giao dịch kê khai không trung thực, đảm bảo theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19.10.2020 của Chính phủ, để hướng dẫn thực hiện trong toàn ngành.
+ Đối với các hồ sơ tiềm ẩn nguy cơ trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên, cơ quan thuế sẽ thu thập tài liệu, hồ sơ để chuyển cơ quan chức năng điều tra, xác minh theo quy chế chuyển tin báo tội phạm ban hành kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TCT ngày 7.4.2022 của Tổng cục Thuế.
Các chi cục thuế quán triệt công chức giải quyết hồ sơ thực hiện nghiêm nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm” nêu trên; trường hợp để xảy ra tình trạng chậm giải quyết hồ sơ cho người dân, tiêu cực trong nội bộ, dư luận xấu… thì chi cục trưởng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cục trưởng và pháp luật.
(Hết)