Phát triển rừng bền vững thông qua liên kết chuỗi
Nhằm phát triển vùng rừng trồng tập trung và nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, từ năm 2021, Công ty TNHH Lâm nghiệp Thiện Hoàng phối hợp với huyện Phù Mỹ triển khai thực hiện dự án Phát triển chuỗi giá trị trồng rừng bền vững theo tiêu chí FSC.
Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho hay: Theo kế hoạch, dự án thực hiện từ năm 2021 - 2023 tại 3 xã Mỹ Hiệp, Mỹ Trinh, Mỹ Châu. Mục tiêu dự án là tạo ra 1.000 ha rừng của khoảng 250 hộ đủ điều kiện nhận chứng chỉ rừng FSC. Quy hoạch phát triển rừng trồng bền vững gắn với quản lý bảo vệ đến chế biến và tiêu thụ sẽ hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh tập trung, góp phần nâng cao chất lượng gỗ và gia tăng độ che phủ rừng bền vững trên địa bàn huyện.
Cán bộ kỹ thuật của Công ty Thiện Hoàng cùng cán bộ xã Mỹ Châu khảo sát hiện trạng rừng trên địa bàn xã này. Ảnh: HUỲNH THỐNG
Sau khi được huyện Phù Mỹ cho phép thực hiện dự án, Công ty TNHH Lâm nghiệp Thiện Hoàng (Công ty Thiện Hoàng) tiến hành tham vấn UBND 3 xã, thực hiện 3 đợt khảo sát hiện trạng rừng và giới thiệu dự án đến các chủ rừng. Hiện có 145 hộ tham gia, với diện tích 506 ha, chủ yếu là keo lai, bạch đàn. Cụ thể, xã Mỹ Hiệp có 5 hộ/76 ha, xã Mỹ Trinh 98 hộ/262 ha, xã Mỹ Châu 42 hộ/168 ha.
Đến nay, Công ty Thiện Hoàng tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ thuật, đánh giá hiện trạng môi trường, KT-XH, đa dạng sinh học để hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững. Được biết, trong 506 ha rừng trồng đăng ký liên kết chuỗi giá trị có 356 ha đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký, 150 ha còn lại đang chờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy xác nhận của địa phương. Dự định đầu năm 2023, Công ty phối hợp với Công ty TNHH Bureau Veritas Việt Nam sẽ cấp và công bố chứng chỉ rừng FSC cho các hộ dân.
Kỹ sư Triệu Trân Huân, chuyên gia của Công ty Thiện Hoàng, cho biết: Để tham gia trồng và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, người dân phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn, như: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, không bón phân hóa học, không đốt thực bì… Người trồng rừng được Công ty tập huấn quy trình chăm sóc, khai thác gỗ đạt kết quả cao, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân, kể cả sản phẩm đổ ngã khi gặp thiên tai. Chu kỳ trồng rừng mới tiếp theo với diện tích đã đăng ký, Công ty sẽ hỗ trợ cây giống chất lượng cao, phân bón hữu cơ. Đối với trồng mới, cứ mỗi héc ta đăng ký sẽ được cấp 2.500 cây giống.
Nhiều năm qua, ông Cao Văn Bé (ở thôn Lộc Thái, xã Mỹ Châu) chủ yếu thu hoạch 11,7 ha rừng keo lai của mình ở thời điểm cây gỗ được 4 - 5 năm tuổi. Ông Bé chia sẻ: “Khai thác rừng ở tầm đó chủ yếu bán cho DN mua về làm dăm gỗ, với giá khoảng 70 - 80 triệu đồng/ha; tính ra thu nhập bình quân khoảng 10 - 12 triệu đồng/ha/năm. Nay toàn bộ diện tích rừng keo lai - với nhiều mức tuổi từ mới trồng đến 4 tuổi tôi đều đã đăng ký chuyển thành rừng có chứng chỉ FSC với thời gian trồng sau 8 năm mới tiến hành khai thác, giá trị gỗ sẽ tăng cao lên. Chi phí đầu tư cho việc chuyển đổi này thấp hơn so với trồng rừng lấy dăm gỗ vì giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì đầu tư trồng lại rừng”.
Việc quản lý rừng bền vững, đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ FSC sẽ đáp ứng các yêu cầu của thị trường về nguồn gốc, xuất xứ và sản phẩm gỗ hợp pháp. Kỹ sư Triệu Trân Huân phân tích: “Trồng rừng liên kết theo chuỗi giá trị hướng tới mục tiêu đạt chuẩn FSC sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người trồng rừng. Sản lượng gỗ sẽ tăng khoảng 2,5 lần so với trước đây, giá bán gỗ có chứng chỉ tăng từ 10 - 15% so với gỗ không có chứng chỉ. Sau khi trừ các chi phí đầu tư, giá trị gỗ đạt khoảng 160 - 180 triệu đồng/ha/chu kỳ 8 - 10 năm”.
Để liên kết chuỗi giá trị trồng rừng bền vững theo tiêu chí FSC hiệu quả, thời gian tới, huyện Phù Mỹ sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ rừng mới tham gia dự án, theo đúng mục tiêu kế hoạch đề ra. UBND huyện Phù Mỹ đã đề nghị Công ty Thiện Hoàng tiếp tục khảo sát và mở rộng vùng liên kết đến nhiều vùng rừng khác trong toàn huyện.
ĐÌNH PHƯƠNG