Khơi thông nguồn lực các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên
Ngày 27.6, tại TP Quy Nhơn, Tỉnh ủy Bình Định phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo “Khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.
Các ý kiến tại Hội thảo tập trung vào 3 nội dung chính: Một số vấn đề lý luận chung về khơi thông nguồn lực phục vụ sự phát triển KT-XH hiện nay; Những vấn đề thực tiễn trong khơi thông nguồn lực để phát triển KT-XH ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Những vấn đề phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định trong bối cảnh mới.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: H.PHÚC
Tập trung cho liên kết vùng
Nhiều ý kiến tham gia Hội thảo cho rằng, tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên có nhiều điểm tương đồng như: Đường bờ biển dài, nhiều tiềm năng phát triển du lịch, lợi thế về hệ thống giao thông, cảng biển... Tuy nhiên, các địa phương trong khu vực còn thiếu tính liên kết trong phát triển.
Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, các quy định hiện nay về liên kết tại khu vực chưa mang tính ràng buộc giữa các địa phương về việc phải thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển của vùng; cơ chế quản lý điều phối vùng chưa chặt chẽ, đồng bộ khiến việc liên kết chưa hiệu quả. Hơn nữa, các nội dung liên kết hạ tầng, du lịch, công nghiệp, dịch vụ, cảng biển, sân bay… chưa thống nhất, phần lớn mang tính tự phát, xuất phát từ lợi ích tự thân của từng địa phương.
TS Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ, cũng nhấn mạnh cần hoàn thiện thể chế liên kết trong phát triển vùng. Trong đó, chú trọng khai thác lợi thế hành lang kinh tế Đông Tây, đường xuyên Á để phát triển KT-XH, đặc biệt là lĩnh vực vận tải, logistics và du lịch. Cần tái quy hoạch hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH toàn vùng, trên cơ sở xem xét phân tích đầy đủ vai trò của từng công trình đối với sự phát triển vùng. Từ đó, xác định những công trình trọng điểm cần thiết ưu tiên đầu tư phải có tác động đột phá đến phát triển kinh tế cũng như tạo hiệu ứng lan tỏa và thu hút đầu tư toàn vùng.
“Cần xây dựng, hoàn thành tuyến đường du lịch ven biển nối liền các trung tâm du lịch nội vùng nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư, tạo tiền đề hình thành chuỗi du lịch ven biển. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hiện đại hóa một vài sân bay, cảng biển chiến lược, trọng điểm mang tầm quốc tế - cơ sở thuận tiện cho giao lưu kinh tế trong và ngoài nước; đẩy nhanh quá trình xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Trị, sớm triển khai xây dựng cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định, nhằm tạo tính “nội liên” trong vùng kinh tế trọng điểm cũng như tính liên thông thị trường vùng kinh tế trọng điểm và khu vực miền Trung - cơ sở để phá vỡ tính chia cắt của địa hình…”, TS Hiệp phân tích.
Khơi thông các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách
Tại Hội thảo, lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực đều thống nhất cần khơi thông các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách với tầm nhìn, quy hoạch mang tính đột phá, mang lại hiệu quả trong thực tế, nhất là trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, tỉnh đã đề xuất nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đẩy nhanh các thủ tục triển khai các dự án phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; quyết định hình thức và phương án lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng… để tăng thêm quyền cho tỉnh. Từ đó, giúp tỉnh chủ động quyết định và tự chịu trách nhiệm, góp phần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư chiến lược triển khai thực hiện các dự án.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho rằng, quy hoạch đúng thì mọi việc mới khơi, mới chạy được. Tại hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng hệ thống sân bay, cảng biển, sở hữu nhiều tài nguyên, giàu bản sắc văn hóa… là những lợi thế cạnh tranh nổi trội của các tỉnh miền Trung. Để khai phá được lợi thế, các tỉnh cần có sự phối hợp, tổ chức đánh giá, đề ra phương án quy hoạch và liên kết vùng phù hợp để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang chia sẻ ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: H.PHÚC
Dẫn câu chuyện thực tế về vướng quy hoạch khiến chưa phát huy hết tiềm năng của 3 vịnh biển ở địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Toàn bày tỏ mong muốn Trung ương cần có quy hoạch, cơ chế rõ ràng, công khai minh bạch để các địa phương có thể khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng thế mạnh, tạo động lực phát triển KT-XH.
Hướng đi riêng của Bình Định
Qua các ý kiến, tham luận tại Hội thảo cho thấy, nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền Trung tập trung hướng đi bằng “hai chân” là công nghiệp - du lịch để phát triển KT-XH, trên thực tế bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, Bình Định lại có được hướng đi riêng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, cơ cấu kinh tế của Bình Định giữ cân đối, không phụ thuộc vào ngành nào nên khi xảy ra khủng hoảng bởi dịch Covid-19, nền kinh tế của tỉnh vẫn có sự phát triển ổn định.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, quá trình phát triển kinh tế của Bình Định sẽ tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng: Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo động lực phát triển nhanh nền kinh tế của tỉnh; về du lịch, tiến hành đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý hoạt động du lịch hướng đến phát triển bền vững; phát triển dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không; phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
Cùng với đó, tỉnh cũng đã xác định 3 khâu đột phá tạo động lực. Các trụ cột tăng trưởng và khâu đột phá được cụ thể hóa bằng 7 chương trình hành động của Tỉnh ủy.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đề xuất: Cần đẩy mạnh tăng cường quy hoạch vùng và liên kết bằng các cơ chế, chính sách có tính quy phạm pháp luật. Phân bổ nguồn lực đầu tư của Trung ương cần tập trung hơn cho các tỉnh, thành miền Trung. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh miền Trung; cơ chế chính sách phải đi kèm với nguồn lực.
“Kết quả Hội thảo sẽ tạo thêm cơ sở khoa học giúp các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình thực tế, mang tính khả thi cao để tiếp tục khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, đẩy mạnh khôi phục và phát triển KT-XH. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh, thành trong khu vực và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Đồng chí HỒ QUỐC DŨNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
“Hội thảo thành công tốt đẹp, thu hoạch nhiều kết quả bổ ích, với 53 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo, nhà quản lý, trong đó có 11 ý kiến phát biểu, chia sẻ với nhiều góc độ, chiều cạnh khác nhau, tiếp cận từ lý thuyết đến vấn đề thực tiễn. Qua đó, cho thấy nguồn lực chỉ mãi ở dạng tiềm năng nếu không tạo được động lực để khai thác, phát huy qua các thể chế, tầm nhìn, tư duy đột phá… với định hướng phát triển không chỉ hạn hẹp địa phương mà còn liên vùng, liên quốc gia”.
PGS.TS ĐOÀN MINH HUẤN, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
HOÀI THU - HỒNG PHÚC