Nhân ngày gia đình Việt Nam (28.6): Tôn vinh giá trị gia đình
Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) hằng năm là dịp để ôn lại truyền thống gia đình và tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Dịp này, Sở VH-TT đã biểu dương những gia đình trẻ tiêu biểu điển hình trong việc xây dựng và lan tỏa các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam nói chung và gia đình trẻ nói riêng.
Bà HUỲNH THỊ ANH THẢO, Phó Giám đốc Sở VH-TT. Ảnh: A.N
Nhân kỷ niệm 21 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001 - 28.6.2022), phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH-TT xung quanh vấn đề này.
* Bà có thể cho biết về mục đích, ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay?
- Ngày 4.5.2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg và lấy ngày 28.6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Năm nay, Bộ VH-TT&DL tiếp tục chọn chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam là “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc”.
Cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, các hệ giá trị tốt đẹp, như: Tình yêu thương, thủy chung, hiếu nghĩa, đức hy sinh, sự sẻ chia… luôn được phát huy và gìn giữ trong các gia đình Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa được kiểm soát, thì chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” càng ý nghĩa, bởi nhắc nhở mỗi cá nhân, mỗi gia đình tiếp tục nêu cao ý thức trách nhiệm, trang bị những kiến thức bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Tôi nhấn mạnh rằng, gia đình luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Gia đình trong xã hội hiện đại càng cần được quan tâm hơn để không đánh mất những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Đây cũng là dịp để mỗi người hướng về tổ ấm, có những hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm vun đắp, lan tỏa tình yêu thương, trách nhiệm với gia đình của mình. Để mỗi gia đình tiếp tục là pháo đài, thành viên gia đình là chiến sĩ trong phòng, chống dịch bệnh, khi gia đình bình an thì xã hội mới phát triển.
Gia đình anh Trần Nhất Duy - Đoàn viên Chi đoàn Đồn Biên phòng Tam Quan Nam - Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh (bìa phải) giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữ gìn và phát huy truyền thống ứng xử tốt đẹp trong gia đình tại chương trình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm và tuyên dương gia đình trẻ tiêu biểu năm 2022. Ảnh: A.N
* Ở góc độ nhà quản lý văn hóa, bà nhìn nhận như thế nào về các mối quan hệ gia đình hiện nay, đặc biệt là ở các gia đình trẻ?
- Chúng ta biết, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình là mối liên kết tình cảm, tâm lý đặc biệt, gắn bó với nhau về quyền lợi và trách nhiệm trong suốt cuộc đời. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều chuyển biến lớn lao đã xảy ra khiến cơ cấu, tính chất, quy mô gia đình truyền thống có sự thay đổi để thích nghi được với hoàn cảnh xã hội mới.
Gia đình trẻ - gia đình hiện đại ngày nay thường sống chung 2 - 3 thế hệ, chủ hộ gia đình ở tuổi 25 - 30, hoặc dưới 40 tuổi chịu trách nhiệm chính trong mọi hoạt động và quản lý gia đình. Kiểu gia đình này hình thành trong các tầng lớp trí thức, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, lao động thủ công và nông dân…
Dù tiếp cận ở góc độ nào thì chúng ta cũng không thể nào phủ nhận những giá trị thiêng liêng cao đẹp trong các mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ con cái, ông bà con cháu, anh chị em trong gia đình. Đó là giá trị của lòng chung thủy, bình đẳng bình quyền, tôn trọng tự do, đoàn kết, yêu thương vừa mang tính truyền thống và hiện đại. Vì vậy, dù cuộc sống có bận rộn đến đâu, mọi người, nhất là bạn trẻ cần phải dành thời gian cho gia đình, ý thức trách nhiệm với bản thân để xây dựng mối quan hệ gia đình ngày càng gắn bó, khăng khít và bền chặt.
* Để Ngày Gia đình Việt Nam thực sự trở thành ngày tôn vinh các giá trị của gia đình, ngành Văn hóa cần phải làm gì, thưa bà?
- Thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, giai đoạn 2021 - 2030. Phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo công tác Gia đình tỉnh thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình; kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình…
Sở cũng phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động hướng dẫn, triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên phạm vi toàn tỉnh; duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình. Rà soát, bổ sung các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào hương ước, quy ước của thôn, khu phố. Thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng tổ chức, cá nhân, gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác gia đình…
Để thực hiện được mục tiêu đó, ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương; Sở mong rằng các gia đình trẻ sẽ không ngừng phấn đấu vươn lên, nêu cao nhất trách nhiệm công dân, trách nhiệm, tình cảm với người thân trong gia đình, tiếp tục vun đắp, xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm nhân lên những niềm vui, hạnh phúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, niềm tự hào, khát vọng cống hiến, trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
*Xin cảm ơn bà!
TRỌNG LỢI (thực hiện)