Mạch chảy nguồn thơ
Mạch rồng (NXB Hội Nhà văn) là tuyển tập thơ, lý luận phê bình dày dặn với hơn 500 trang vừa ra mắt bạn đọc nhân dịp hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 17 - 19.6 vừa qua.
Sách tập hợp các tác phẩm của 49 tác giả tham dự Hội nghị (42 tác giả mảng thơ; 7 tác giả mảng lý luận phê bình), hợp thành một bức tranh đa sắc những gương mặt thơ với nhiều cách thức thể hiện, giọng điệu khác nhau. Ví như, tác giả Vàng A Giang (dân tộc Mông, SN 1993, quê ở Lào Cai), thơ anh viết về bản xứ với tấm lòng chân thành, bằng ngôn ngữ mộc mạc, ấm đầy cảm xúc: “Khau Vai rạc buồn như bờ rào đá rêu phong/ Em không đến/ Nỗi buồn theo hết bốn mùa đá xám/ Em không đến/ Uống bát rượu suông cũng say/ Thắng cố sôi nhung nhớ/ như lòng này mong em” (Chiều đứng bóng Khau Vai).
Hay tác giả trẻ Nguyên Như (tên thật Lê Ngọc Dũng, SN 1995, quê ở Đắk Nông), thơ anh nhiều trăn trở, suy niệm và sự liên tưởng: “Đá sạm đen chân người/ khói ám mùi tận cùng đáy thơ hoang/ thơ không vẽ được màu xanh của lá/ thơ không thấy được lấp lánh của sông/ thơ không nói được những điều đẹp nhất... / Kơ Pốk đậu trên lưỡi cưa... “ánh mắt”/ im/ lặng/ bay...” (Con chim Kơ Pốk).
Đặc biệt, có 4 tác giả Bình Định góp mặt trong tuyển tập này. Trong đó, 3 tác giả Vân Phi, Trương Công Tưởng, Trần Quốc Toàn đang sống và làm việc tại Bình Định; tác giả Trần Võ Thành Văn (quê Phù Cát) đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Mỗi tác giả, một nét thơ riêng.
Trần Võ Thành Văn thi vị, nhiều gợi tưởng, cho thấy sự dụng công về mặt ngôn ngữ: “Bài hát nào em đã mang đi/ tân duyên mùa tan vỡ/ giọt mưa nào thánh thót qua anh/ giấu mặt giọt mưa khác/ và em/ Tiếng mọt kêu âm ỉ ngày ngày/ chẳng thể bay lên cùng tiếng chim kia để tự do buồn bã/ chẳng thể vỡ đi như những giọt mưa kia để sợ trôi sự thật/ Và thế là mùa nghiệt ngã trổ hoa” (Những tiếng kêu).
Hoặc, nhà thơ Trần Quốc Toàn, thơ anh giàu thi ảnh đẹp và gợi: “Người đi đâu về khuya khoắt lắm/ Để quên tiếng nói của mình trên máng xối/ Rồi nằm mộng thấy bao điều trống rỗng/ Đó là một đêm cuối tháng sáu/ Chị tôi gầy hơn những con đường đói khổ/ Con chuột ký ức ngồi một mình trên đống hạt đậu/ Nỗi đau lách qua cái lỗ phía cuối khu vườn/ Nơi đó là ngọn đèn sáp ong đang hắt bóng/ Bài ca của lá bắt đầu trổ ngọn nến/ Con dơi du ca treo mình dưới bầu trời đẫm nước/ Giọt giọt trong veo...” (Kinh đêm).
Mạch rồng tuyển in mỗi tác giả thơ từ 7 - 9 tác phẩm, phần nào giúp người đọc hình dung ra cá tính sáng tạo của mỗi người viết. Và cũng đã cho thấy sự tiếp nối một dòng chảy thi ca, sự bồi tụ của lớp trẻ, giàu đam mê và năng lượng sáng tác.
VÂN PHI