Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”
Ngày 29.6, hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” diễn ra tại tỉnh Bến Tre. Hội thảo do UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều khẳng định, Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” là sự kiện cấp quốc tế có ý nghĩa hết sức thiết thực. Qua gần 160 năm tiến trình nghiên cứu về Danh nhân, mới chỉ có 2 hội thảo khoa học trong nước và đây là lần đầu tiên hội nghị khoa học quốc tế về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được tổ chức tại Bến Tre, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Ban Tổ chức nhận 133 tóm tắt tham luận, toàn văn tham luận của các tác giả và lựa chọn 96 tham luận in thành kỷ yếu hội thảo.
Quang cảnh hội thảo danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương soi rọi tấm lòng trong sáng, trượng nghĩa yêu dân. Các tác phẩm của ông đã đóng góp vào dòng văn thơ yêu nước chống Pháp giai đoạn nửa đầu thế kỷ 19 nói riêng và cả chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Thực hiện cam kết với tổ chức UNESCO, UBND tỉnh Bến Tre, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay. Đây là một hoạt động gia tăng cam kết giữa Việt Nam và UNESCO tiếp tục khẳng định di sản mà danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để lại”.
Nhiều đại biểu nước ngoài đã đến tham dự hội thảo danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Di sản của Nguyễn Đình Chiểu để lại cho đời sau là những tác phẩm văn thơ rất có giá trị và vô cùng quý báu, trong đó nổi bật là tác phẩm Lục Vân Tiên. Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu còn là tấm gương về việc tự rèn luyện mình để trở thành một người có nhân cách lớn. Nguyễn Đình Chiểu sống mãi với lịch sử, với nhân dân vì cuộc sống tự do, hạnh phúc của nhân dân. Ông đã dùng ngòi bút của mình làm vũ khí đánh giặc; người đọc, người nghe tìm thấy trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu hơi thở của cuộc sống, những đòi hỏi cấp bách cứu nước, cứu dân, những tâm tư, ước vọng những hành động về lòng yêu nước và đạo làm người trong hoàn cảnh đất nước gặp loạn ly. Đến nay, phẩm chất, triết lý sống cao đẹp của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu vẫn tiếp tục lan toả mãnh liệt, bền bỉ trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam và ngày càng vươn xa, mang tầm vóc nhân loại.
Một nhà nghiên cứu Pháp phát biểu tại hội thảo đánh giá cao danh nhân Nguyễn Đình Chiểu .
Theo nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), thế giới biết nhiều đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu qua tác phẩm “Lục Vân Tiên” đã thể hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết, hiếu nghĩa mà ít tác phẩm văn học cùng thời có được: “Tác phẩm 'Lục Vân Tiên' mang tính độc đáo đoàn kết Việt Nam, chứa đựng cả linh hồn và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Đây là một kiệt tác văn học của Việt Nam tiêu biểu cho cả 2 miền Nam - Bắc. 'Lục Vân Tiên' dựa vào thực tế cuộc đời của chính tác giả, điểm này là khác biệt so với Truyện Kiều và các tác phẩm ở Đông Nam Á thời đó. Tác phẩm đã phản ánh ý chí chống ngoại xâm của người Việt Nam từ lâu đời: tinh thần trung hiếu, phụng sự quốc gia, hiếu thảo với cha mẹ. Đó là sự phát triển ý thức dân tộc khác với các quốc gia khác ”.
Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, sinh năm 1822, tại làng Tân Thới, Phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Quận 1, TPHCM) và mất năm 1888 tại Ba Tri (Bến Tre). Ông có tên thường gọi là Đồ Chiểu, là người học rộng tài cao, từng đỗ tú tài. Năm 1847, ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849 nhưng mẹ ông mất đúng thời điểm này; vì quá thương nhớ mẹ ông đã khóc đến mù lòa hai mắt. Sau thời gian đó, Pháp xâm chiếm Gia Định, ông về sinh sống ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây ông tiếp tục dạy học, làm thầy thuốc, dù bị mù cả hai mắt nhưng ông vẫn tích cực dùng văn chương để kêu gọi nhân dân, sĩ phu thể hiện lòng yêu nước chống lại thực dân Pháp và bè lũ bán nước. Ngày 23.11.2021 tại Paris (Pháp), UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) và tham gia kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm nay.
Theo Nhật Trường (VOV)