Phù Cát: Hai mươi năm tạo động lực thoát nghèo qua chính sách tín dụng ưu đãi
Sau 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Chính phủ, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đóng góp tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo qua các năm, từ đó góp phần cùng với huyện Phù Cát thực hiện hoàn thành các tiêu chí giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Phát triển chương trình vay
Khi mới đi vào hoạt động, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phù Cát chỉ thực hiện một chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo. Sau 20 năm, có 16 chương trình tín dụng ưu đãi được Chính phủ giao triển khai thực hiện. Gồm: Cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay xuất khẩu lao động; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay nhà ở xã hội; cho vay Dự án phát triển ngành Lâm nghiệp; cho vay học sinh, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng dịch Covid-19; cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay hộ thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; cho vay hộ nghèo về nhà ở theo QĐ 167 và QĐ số 33; cho vay xây dự nhà ở phòng tránh lũ lụt theo quyết định 48/QĐ-TTg; cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 68 của Chính phủ.
Chị Xuyến giới thiệu về mô hình nấm của mình cho cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phù Cát. Ảnh: N.M
Với 16 chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai, chính sách tín dụng ưu đãi đã cơ bản lan tỏa đến nhiều đối tượng chính sách theo tinh thần của Nghị định số 78/2002/NĐ-CP. Đến ngày 31.5, tổng dư nợ hơn 642,5 tỷ đồng, tăng gấp 110 lần so với năm 2002. Trong đó, dư nợ nguồn vốn Trung ương gần 598,2 tỷ đồng, chiếm 93,1% trên tổng dư nợ; dư nợ nguồn vốn địa phương là 44,345 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng dư nợ (vốn do UBND tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện là 38,723 tỷ đồng; vốn do UBND huyện ủy thác hơn 5,6 tỷ đồng).
“Một số chương trình cho vay hiện nay đã nâng mức cho vay so với trước đây. Chẳng hạn, chương trình cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có mức cho vay tối đa lên đến 100 triệu đồng/hộ; chương trình cho vay để giải quyết việc làm tối đa 100 triệu đồng/lao động; cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hiện nâng lên tối đa 40 triệu đồng/năm/sinh viên”, ông Trần Quốc Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phù Cát trao đổi.
“Bà đỡ” cho hộ nghèo
Hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo đều “khát” vốn. Hộ chị Trương Thị Bích Điều, 38 tuổi, ở thôn Tân Hòa, xã Cát Tân từng là hộ nghèo. Những năm 2010 đến năm 2012, chị vừa lo cho con nhỏ, vừa lo cho chồng mắc bệnh tim bẩm sinh, nhiều nỗi chật vật, bộn bề. Sau khi chồng thay van tim tại Bệnh viện Trung ương Huế vào năm 2012, chị Điều chuyên tâm vào làm kinh tế gia đình. Được cha cho một phần đất vườn để dựng chuồng trại chăn nuôi, trồng cỏ, theo sự hướng dẫn của cán bộ địa phương, chị Điều vay vốn hộ nghèo để mua bò, heo, gà. Từng bước một, hộ của chị từ hộ nghèo trở thành hộ cận nghèo. Tận dụng đồng vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ cận nghèo, năm 2019, chị tiếp tục vay 100 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi.
Từ vốn vay CSXH, chị Điều đã xây dựng được mô hình chăn nuôi bò, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: N.M
Hiện nay, nhà chị Điều đã có 16 con bò trong chuồng, trong đó có 8 con bò cái. Bình quân, mỗi năm, một con bò cái đẻ ra được một con nghé. Đàn heo hiện có 5 con nái, 50 con heo lứa. Đến năm 2021, hộ chị hết cận nghèo.
“Nhìn lại chặng đường vừa qua, vợ chồng tôi rất biết ơn vốn vay chính sách xã hội. Giờ thì chỉ mong thời tiết thuận lợi, dịch bệnh không xảy ra để tiếp tục làm lụng chăm chỉ, tích lũy trả vốn vay đúng hạn, xây dựng cuộc sống vững vàng hơn”, chị Điều chia sẻ.
Cũng là hộ cận nghèo, được vay vốn 70 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Kim Xuyến, 40 tuổi, thôn Bình Đức, xã Cát Tân, chọn đầu tư vào mô hình nấm. Tận dụng lại chuồng trại có sẵn, chị Xuyến xây dựng các trại nấm quy mô nhỏ để cung cấp nấm cho các tiểu thương.
“Mỗi đợt rằm, nhà tôi bỏ hàng cho các sỉ gần 200kg nấm. Hiện có 6 trại nấm quy mô nhỏ ở trong vườn nhà. Tôi đang đầu tư thêm một trại nấm quy mô lớn hơn với số tiền hơn 100 triệu đồng. Đầu ra thuận lợi nên tôi càng làm càng say mê. Tôi mong ước trong tương lai gần có thể tự sản xuất được phôi nấm. Rất mong lúc đó, tôi tiếp tục được tạo điều kiện về vốn vay từ Ngân hàng CSXH bởi đồng vốn chính sách của Nhà nước có nhiều ưu đãi, giúp tôi giảm bớt áp lực trong quá trình sản xuất”, chị Xuyến bộc bạch.
“Gần 20 năm triển khai, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho 22.677 hộ thoát nghèo, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 9,3% (năm 2003) còn 3,52% (năm 2022) và tạo việc làm mới cho 12.461 lao động ở địa phương. Quan tâm đến tín dụng CSXH, UBND huyện đã chuyển vốn ủy thác sang Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện 5,622 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện tích cực chỉ đạo các thành viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng CSXH; tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, ban hành chính sách tín dụng phù hợp với từng giai đoạn; chỉ đạo hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc, quan tâm bố trí về địa điểm, thời gian, đảm bảo an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tại các Điểm giao dịch xã”, ông ĐỖ XUÂN THẮNG, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Phù Cát.
NGUYỄN MUỘI